Phát huy nguồn nước thủy lợi để sản xuất
Mỗi năm khi bắt đầu từ tháng 3, cao điểm mùa khô, người dân huyện Hàm Thuận Nam lại không khỏi lo lắng vì thiếu nước sinh hoạt, sản xuất. Nhưng đó là thực tế của những năm trước. Còn đến thời điểm hiện tại, các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn huyện vẫn đảm bảo nguồn nước khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân. Kết quả này đã tác động hiệu quả, thiết thực đến sản xuất, đưa năng lực tưới tăng thêm gấp nhiều lần. Đặc biệt là tuyến kênh chuyển nước Sông Móng – Đu Đủ - Tân Lập. Ngoài ra, một số công trình đã đem lại hiệu quả cao như hồ Tân Lập, hồ Tà Mon, hồ Đu Đủ, đập Ba Bàu, hồ Sông Móng...
Như vậy, từ một huyện chưa có công trình thủy lợi nào đáng kể, đến nay hệ thống thủy lợi đã được đầu tư nhiều công trình lớn, với tổng lưu lượng nước tích được hàng năm trên 49 triệu m3 và tổng diện tích tưới chủ động nước hiện nay là trên 6.500 ha. Đặc biệt trong thời gian tới, khi dự án đầu tư hồ Ka Pét với dung tích chứa hơn 50 triệu m3 nước được triển khai, sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy nông nghiệp của huyện càng phát triển. Là một trong nhiều hộ dân hưởng lợi từ hệ thống nước thủy lợi, hộ ông Võ Văn Vinh (thôn Phú Phong, xã Hàm Mỹ, Hàm Thuận Nam) gắn bó lâu năm với nghề sản xuất nông nghiệp. Gia đình ông hiện có khoảng 1.700 trụ thanh long. Những tháng đầu năm 2023, nhờ thanh long được giá, cộng thêm áp dụng kỹ thuật nên sản lượng cao, trái ít sâu bệnh, mẫu mã đẹp nên rất dễ bán. Trải qua nhiều thăng trầm của thị trường, đến nay gia đình ông vẫn bám trụ và phát triển kinh tế nhờ loại cây này.
Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao
Một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế của huyện Hàm Thuận Nam những năm qua là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quan tâm triển khai và đạt kết quả bước đầu. Nhất là việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được mở rộng, góp phần nâng cao năng suất và sản lượng nhiều loại cây trồng trên địa bàn huyện.
Theo ông Trần Văn Lanh – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Thuận Nam, thời gian qua huyện xác định cây thanh long là cây trồng lợi thế, từ đó triển khai quyết liệt chương trình sản xuất thanh long VietGAP. Chính cây thanh long đã làm thay đổi rõ rệt đời sống của nhân dân, bộ mặt nông thôn của huyện ngày càng khởi sắc. Tuy vậy, hiện nay sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chưa đa dạng, chưa có nhiều sản phẩm chế biến. Mặt khác, việc phát triển chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển cây trồng mới có giá trị kinh tế cao còn gặp nhiều khó khăn.
Do đó địa phương đang không ngừng xúc tiến thương mại để các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có năng lực đầu tư tham gia vào chuỗi liên kết, mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh, phát huy lợi thế sản xuất nông nghiệp, địa phương đã và đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng chất lượng, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo huyện Hàm Thuận Nam đánh giá, sản xuất nông nghiệp của huyện tăng trưởng khá, cơ cấu cây trồng phát triển đúng hướng. Các cây trồng chủ lực phát triển ổn định, năng suất, chất lượng được nâng lên. Từ một huyện sản xuất nông nghiệp chủ yếu là cây lúa và cây hàng năm, đến nay huyện đã chuyển sang phát triển nhanh cây công nghiệp dài ngày và cây ăn trái có tính chiến lược lâu dài.