Theo dõi trên

Định hướng một số nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

16/04/2025, 17:38

Ngày 15/4/2025, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp vừa ký Công văn số 03/CV-BCĐ gửi Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc định hướng một số nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp.

Cụ thể đối với việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý: Việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp thực hiện theo Kết luận của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương đối với cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập. Số lượng lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính cấp tỉnh mới sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số lãnh đạo quản lý có mặt của các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính cấp tỉnh trước sắp xếp và thực hiện bố trí theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với trường hợp đang giữ chức danh người đứng đầu cơ quan chuyên môn, căn cứ điều kiện thực tiễn và tiêu chuẩn, năng lực cán bộ, công chức, Ban Thường vụ, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định lựa chọn người đứng đầu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị mới sau sắp xếp.

Đối với người đứng đầu cơ quan chuyên môn không bố trí tiếp tục làm người đứng đầu sau sắp xếp thì được bố trí ở vị trí cấp dưới liền kề hoặc bố trí giữ chức danh tương đương ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác hoặc tăng cường làm lãnh đạo cấp xã theo yêu cầu nhiệm vụ, năng lực của cán bộ, công chức và được bảo lưu phụ cấp chức vụ theo quy định của Chính phủ về sắp xếp tổ chức bộ máy.

Đối với trường hợp đang giữ chức danh cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn, Ban Thường vụ, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định bố trí làm cấp phó của người đứng đầu đơn vị sau sắp xếp hoặc bố trí giữ chức danh tương đương ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác hoặc tăng cường làm lãnh đạo cấp xã theo yêu cầu nhiệm vụ, năng lực của cán bộ, công chức. Trước mắt số lượng cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính cấp tỉnh mới được sắp xếp có thể cao hơn quy định và giảm dần theo lộ trình bảo đảm thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Đối với việc sắp xếp công chức, viên chức, người lao động hợp đồng theo quy định: Trước mắt giữ nguyên số lượng công chức, viên chức, người lao động hợp đồng hiện có tại cơ quan, tổ chức, đơn vị để sắp xếp, bố trí công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị tương ứng hoặc bố trí công tác tại cấp xã. Sau đó thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ theo lộ trình, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản số lượng biên chế thực hiện theo đúng quy định. Công văn 03/CV-BCĐ cũng định hướng bố trí hợp lý nhân sự làm việc đồng thời tại 2 cơ sở. Theo đó, chính quyền địa phương cấp tỉnh nơi dự kiến bố trí trụ sở hành chính của đơn vị hành chính mới sau sắp xếp chủ động cân đối, bố trí ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính sau sắp xếp.

Công văn yêu cầu các địa phương quan tâm đến nhà ở công vụ, phương tiện phục vụ công tác và nhu cầu đi lại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để ổn định điều kiện làm việc tại đơn vị hành chính mới sau sắp xếp. Khi triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, giao địa phương căn cứ điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của bộ máy chính quyền có thể bố trí tỷ lệ hợp lý số lượng cán bộ, công chức, viên chức làm việc đồng thời tại trụ sở đơn vị hành chính của tỉnh cùng sáp nhập và tại trung tâm hành chính – chính trị của đơn vị hành chính mới để bảo đảm công tác quản lý nhà nước tại các địa bản của tỉnh cùng sáp nhập và giảm bớt khó khăn việc đi lại, sinh hoạt của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong giai đoạn đầu sáp nhập.

PV


(0) Bình luận
Bài liên quan
 Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị mới về đại hội đảng bộ các cấp
BTO-Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị vừa ký ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; Kết luận số 118-KL/TW, ngày 18/1/2025 của Bộ Chính trị về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị.
Nổi bật
Thành tựu Bình Thuận sau 50 năm ngày giải phóng
Bình Thuận, một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam. Sau ngày giải phóng, Bình Thuận đã trải qua 50 năm xây dựng và phát triển đầy ấn tượng. Từ một vùng đất có nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và đánh bắt hải sản, Bình Thuận đã chuyển mình thành một tỉnh có nền kinh tế trọng điểm, là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của cả nước... Đổi thay ấy là công sức của bao thế hệ lãnh đạo cùng với với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân Bình Thuận.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Định hướng một số nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp