Dự hội nghị còn có các đồng chí: Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Đoàn Thường trực đoàn kiểm tra; Nguyễn Văn Hội, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng đoàn kiểm tra và các thành viên đoàn kiểm tra theo Quyết định số 1923-QĐNS/TW ngày 14/2/2025 của Ban Bí thư Trung ương.
Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Nguyễn Hoài Anh , Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Hồng Sỹ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đỗ Hữu Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Công bố 4 nội dung kiểm tra

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Hội - Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố Quyết định số 1923-QĐNS/TW của Bộ Chính trị về thành lập Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2025 đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận.
Theo Quyết định số 1923, Đoàn sẽ tiến hành kiểm tra 4 nội dung, cụ thể là: Việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và Kết luận số 121-KL/TW ngày 24/1/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tổng kết Nghị quyết 18, gắn với việc thành lập và hoạt động của các đảng bộ mới. Việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và Kết luận số 118-KL/TW ngày 18/1/2025 điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Chỉ thị 35. Việc quán triệt triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Và việc thực hiện Kết luận số 123-KL/TW ngày 24/1/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Đây là những nghị quyết, nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác chuẩn bị để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển. Mục đích đợt công tác này nhằm tìm ra những khó khăn vướng mắc để tháo gỡ, phát huy những thuận lợi, tiềm năng để phát triển. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận và các thành viên Đoàn Kiểm tra phối hợp làm việc hiệu quả trong công tác kiểm tra, bảo đảm các yêu cầu đặt ra về chất lượng đối với các nội dung kiểm tra theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cảm ơn Bộ Chính trị đã quan tâm thành lập đoàn kiểm tra, làm việc với Bình Thuận để nghe địa phương báo cáo kết quả thực hiện các kế hoạch, các chủ trương, các Quy định của Đảng, Nhà nước có liên quan đến các chuyên đề kiểm tra. Đặc biệt đây cũng là dịp rất thuận lợi để Bình Thuận báo cáo những tiềm năng và lợi thế của mình trong quá trình triển khai thực hiện, từ đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy Bình Thuận phát triển.

Đồng chí Đặng Hồng Sỹ - Phó Bí Thường trực thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận báo cáo với Đoàn kiểm tra về các nội dung liên quan. Theo đó, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 18-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận xác định là vấn đề lớn, quan trọng của Đảng và triển khai với tinh thần trách nhiệm cao, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị. Qua 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18, đến nay tỉnh Bình Thuận đã cơ bản thực hiện đạt các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra; nhận thức, ý thức trách nhiệm của chính quyền các cấp và hệ thống chính trị trong việc thực hiện nghị quyết được nâng cao; vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng được tăng cường; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước từng bước được nâng lên.
Về việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 35 và Kết luận số 118, đến nay tiến độ triển khai thực hiện các nội dung liên quan công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng bảo đảm bám sát yêu cầu, chỉ đạo của Trung ương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời quán triệt, chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn. Qua đó, tạo điều kiện để các cấp ủy triển khai công tác chuẩn bị đại hội được thuận lợi và thông suốt, đạt các yêu cầu đề ra. Công tác chuẩn bị văn kiện đại hội bám sát chủ trương lớn của Trung ương và tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị.

.jpg)
Về quán triệt triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 57, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh đã khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt và cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 57 với quyết tâm chính trị cao, tinh thần đổi mới lan tỏa rộng rãi trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp trong tỉnh. Việc thực hiện Kết luận số 123, ngay từ cuối năm 2024, Tỉnh đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo quyết định mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là 8 - 8,5%, phấn đấu tăng trưởng 10%, đồng thời xác định các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện để đạt mức tăng trưởng hai con số.
Tại buổi làm việc, Bình Thuận cũng kiến nghị một số những khó khăn, vướng mắc, cần được tháo gỡ. Đó là, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá, rà soát lại cơ sở xác định diện tích dự trữ khoảng sản titan tại tỉnh cho phù hợp, tạo điều kiện khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...Bộ Công thương quan tâm, hỗ trợ tỉnh triển khai thực hiện các dự án điện BOT trong chuỗi các dự án Nhà máy điện Sơn Mỹ I và Sơn Mỹ II, dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ…
Phát huy động lực tăng trưởng mới



Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo chu đáo phục vụ Hội nghị của tỉnh Bình Thuận và tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm của Hội nghị với những ý kiến phát biểu hết sức tâm huyết, sâu sắc. Phó thủ tướng Thường trực đề nghị Đoàn kiểm tra cũng như Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận tiếp thu các ý kiến phát biểu để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các báo cáo, đặc biệt là Báo cáo của Đoàn kiểm tra để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Phó Thủ tướng nêu rõ, Bình Thuận cần cập nhật thường xuyên tình hình mới, các yêu cầu mới, nhiệm vụ mới theo chỉ đạo của Trung ương trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ của địa phương. Đặc biệt, trong xây dựng dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ tới, phải chỉ ra được các tiềm năng, thế mạnh để phát triển của tỉnh. “Tư duy xây dựng văn kiện phải thay đổi, phải đổi mới; văn kiện phải rất ngắn gọn, rất rõ ràng, khả thi cao, tạo được niềm tin cho nhân dân về sự bứt phá và vươn lên; không nói chung chung, như kiểu nhiệm vụ gì cũng viết là: "tăng cường, nỗ lực, tích cực, khẩn trương"”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Thủ tướng Thường trực, chúng ta không tổ chức chính quyền cấp huyện, điều này cũng đặt ra các yêu cầu mới, nhiệm vụ mới trong việc tổ chức chính quyền cấp xã của tỉnh, đòi hỏi Bình Thuận phải bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ trong tổ chức chính quyền cơ sở cấp xã. Nhân sự lựa chọn phải tinh túy, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, cán bộ cấp xã phải có chất lượng vượt trội, thu hẹp khoảng cách về năng lực, trình độ so với cán bộ cấp tỉnh
Trong phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Bình Thuận phải xác định rõ được các động lực tăng trưởng để phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế, thế mạnh của địa phương. Phải làm mới các động lực tăng trưởng cũ, chẳng hạn như: nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ…, đi liền với đó là phải tìm kiếm và phát huy những động lực tăng trưởng mới, đó là chuyển đổi số, chip bán dẫn, AI, năng lượng tái tạo, dịch vụ cao cấp… Đẩy mạnh hơn nữa phân cấp phân quyền, thúc đẩy tiến độ giải ngân và triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, có ý nghĩa là động lực phát triển của địa phương. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Tinh gọn bộ máy gắn liền với nâng cao chất lượng cán bộ, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, mọi nhiệm vụ phải sát với hơi thở cuộc sống.
Đối với Nghị quyết 57, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị Bình Thuận quan tâm, bố trí nguồn lực thỏa đáng, triển khai thực hiện đồng bộ các yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp được Nghị quyết đề ra, trước hết cần đặc biệt quan tâm đẩy mạnh phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử, qua đó tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, thiết thực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Liên quan đến dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Bình Thuận làm tất cả mọi việc để dự án đi vào hoạt động. Còn điện gió ngoài khơi, đã có trong luật sửa đổi, Bình Thuận sử dụng luật sửa đổi để triển khai.
Trước đó, các thành viên Đoàn kiểm tra 1923 đã làm việc với Đảng bộ một số địa phương và một số sở ngành theo nội dung trong quyết định của đoàn kiểm tra.