Theo dõi trên

Doanh nghiệp cần làm gì để xuất khẩu vào Trung Quốc?

12/01/2022, 06:21

BT- Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh số 248 “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và Lệnh số 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp (DN) sản xuất nông sản và thực phẩm đã và đang xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc.

Phóng viên Báo Bình Thuận có cuộc trao đổi với ông Biện Tấn Tài – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh. Sau đây là ý kiến của ngành và những lưu ý doanh nghiệp (DN) phải thay đổi như thế nào để thích ứng?

dsc_0020.jpg
Doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc. Ảnh: Đ.Hòa

Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính”

Được biết từ 1/1/2022 phía Trung Quốc thực thi Lệnh 248 và 249. Vậy ông có thể thông tin rõ hơn về tiêu chuẩn kỹ thuật nhập 2 Lệnh này?    

Ông Biện Tấn Tài – Phó Giám đốc Sở Công Thương: “Lệnh 248” và “Lệnh 249” về quản lý giám sát an toàn thực phẩm của Trung Quốc ban hành có hiệu lực từ 1/1/2022 với những điểm mới: Đối với hệ thống quản lý, giám sát an toàn thực phẩm, Trung Quốc sẽ thiết lập chế độ kiểm tra, đánh giá tình hình quản lý an toàn thực phẩm ở nước ngoài; bổ sung phương thức kiểm tra đánh giá, quản lý đăng ký DN nước ngoài, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và truy hồi sản phẩm theo yêu cầu giám sát, yêu cầu trách nhiệm đôn đốc của các cơ quan có thẩm quyền quản lý của quốc gia xuất khẩu. Đối với DN, trách nhiệm chính của DN nước ngoài trong chuỗi nhập khẩu thực phẩm có nghĩa vụ tự chủ kiểm soát cho nhà nhập khẩu.

Theo Lệnh 248, toàn bộ DN nước ngoài sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đăng ký với Hải quan Trung Quốc. Trong đó, nhóm 1 gồm 18 nhóm mặt hàng phải đăng ký thông qua các cơ quan quản lý Nhà nước. Nhóm 2 là thực phẩm ngoài 18 mặt hàng thuộc nhóm 1 đăng ký trực tiếp với Hải quan Trung Quốc thông qua website singlewindow.cn.

Tại Lệnh 249, Hải quan Trung Quốc yêu cầu đánh giá sự phù hợp, đưa ra nguyên tắc quản lý nhập khẩu (NK) với thực phẩm chưa có tiêu chuẩn quốc gia; đưa ra nguyên tắc quản lý NK với thực phẩm sử dụng nguyên liệu mới; thay đổi về yêu cầu ghi nhãn; cơ sở sản xuất phải tự chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm với thực phẩm mình sản xuất; lần đầu tiên chính thức chấp nhận phương án đánh giá trực tuyến…

Với hàng loạt những quy định, tiêu chuẩn mới bắt buộc khi nhập khẩu nông sản, thủy sản và các mặt hàng thực phẩm vào Trung Quốc, con đường tiêu thụ nông sản nói chung và riêng trái thanh long Bình Thuận với hơn 80% sản lượng xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch dự báo thời gian tới sẽ ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

Ông Biện Tấn Tài – Phó Giám đốc Sở Công Thương: Năm 2022 cũng như trong những năm tới, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn của nông sản Bình Thuận nói chung và thanh long nói riêng. Tuy nhiên, Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính”, quy trình giao nhận hàng hóa được siết chặt để tiếp tục kiên trì chính sách “Zero Covid”; tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, đồng thời kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm hóa 100% đối với mặt hàng nông sản, trong đó có thanh long nhập khẩu từ Việt Nam, doanh nghiệp phải đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để được cấp mã số doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này… Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thụ của nông sản cũng như thanh long Bình Thuận qua thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các quốc gia nhập khẩu tại các thị trường khác cũng đưa ra các quy định ngày càng chặt chẽ về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; rủi ro thiên tai và dịch bệnh động thực vật và dịch bệnh trên người (dịch Covid-19 bùng phát và tiếp tục có nguy cơ lây lan cao với nhiều biến chủng mới như Delta và gần đây là Omicron) đang đặt ra yêu cầu, thách thức rất lớn đối với hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản nói chung của tỉnh Bình Thuận và thanh long nói riêng.

Tuy nhiên, tin rằng với sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; việc tham mưu, đề xuất kịp thời của các sở, ngành, địa phương giúp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh. Sự năng nổ vượt khó của các DN thay đổi cách tiếp cận về an toàn thực phẩm từ việc kiểm tra an toàn sản phẩm cuối cùng sang giám sát tại mọi công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất, đầu tư sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, sản phẩm đặc sản, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ… Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, củng cố và khai thác có hiệu quả các thị trường xuất khẩu truyền thống, ưu tiên khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long, đa dạng hóa thị trường dựa trên lợi thế từ các hiệp định thương mại với Nhật Bản, Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA… Đồng thời, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước cũng như chế biến sản phẩm từ thanh long sẽ góp phần làm giảm áp lực khâu tiêu thụ trái tươi; tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản… sẽ góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu nông sản cũng như thanh long của tỉnh sẽ đạt kết quả khả quan hơn.

Doanh nghiệp thay đổi nhận thức, cách tiếp cận xuất khẩu

Như vậy, để thích ứng với quy định mới xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp, người sản xuất cần thay đổi như thế nào, thưa ông?

Ông Biện Tấn Tài – Phó Giám đốc Sở Công Thương: Với quy định mới, mã số doanh nghiệp xuất khẩu sẽ do Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp và được thông báo đến các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. DN xuất khẩu sẽ phải in mã số DN cùng các thông tin liên quan lên bao bì đóng gói. Các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này ngoài việc công bố nguồn gốc, có bao bì, thương hiệu rõ ràng và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã đăng ký, còn phải cập nhật trên hệ thống quá trình ghi chép sản xuất, chế biến hàng ngày.

Vì vậy, DN cần nghiên cứu kỹ và hiểu đúng các quy định của Lệnh 248 và 249 để áp dụng vào hoạt động sản xuất sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, tránh vi phạm các quy định. Đặc biệt, lưu ý kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, hồ sơ vùng nuôi, vùng trồng, điều kiện nhà xưởng, điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm, chủ động nắm bắt thông tin, yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc… bởi Trung Quốc có thể kiểm tra trực tuyến và đáp ứng đúng quy định về bao bì, nhãn mác. Chủ động các biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo cáo các cơ quan quản lý hàng hóa xuất khẩu từ những mã số của mình, cũng như khi phát hiện các vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để có phối hợp xử lý. Đồng thời, DN cần ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư đổi mới thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại và đồng bộ; đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng cường chế biến sâu. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị, có kế hoạch chủ động điều tiết sản xuất theo nhu cầu của thị trường.

Để hạn chế phụ thuộc vào một thị trường, cần tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và ngoài nước trong thời gian tới (bằng hình thức trực tuyến, trực tiếp) để kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kênh phân phối nhằm phát triển thị trường tiêu thụ. Chú trọng khách hàng trong nước, quan tâm đến nhu cầu người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm trong bối cảnh người tiêu dùng ngày nay rất chú trọng sức khỏe, an toàn thực phẩm…

Trân trọng xin cảm ơn ông!

THANH DUYÊN (THỰC HIỆN)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ách tắc cửa khẩu: 
Người dân phía Bắc hỗ trợ tiêu thụ thanh long Bình Thuận
Phía Trung Quốc đang siết chặt các biện pháp phòng chống dịch Covid -19 nên những ngày vừa qua tại Cửa khẩu Lạng Sơn, nhiều container thanh long của Bình Thuận không thể xuất sang nước này. Chờ đợi lâu, khiến cho thanh long bắt đầu hư hỏng nên các doanh nghiệp, chủ hàng lựa chọn giải pháp quay đầu xe để tiêu thụ nội địa với hy vọng lấy lại chút ít lộ phí trên đường về.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp cần làm gì để xuất khẩu vào Trung Quốc?