Theo dõi trên

Đôi điều về giáo dục địa phương

14/06/2024, 05:06

Chương trình cấp trung học cơ sở (THCS) do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành từ năm học 2002 – 2003 có dành một thời lượng chính khóa cho nội dung giáo dục địa phương ở 3 môn: Ngữ văn, lịch sử, địa lý. Môn ngữ văn và lịch sử học từ lớp 6 đến lớp 9.

Riêng môn địa lý chỉ học ở khối lớp 9. Không có nội dung giáo dục địa phương cho cấp Trung học phổ thông (THPT). Đến Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT mới đưa nội dung giáo dục địa phương bổ sung vào chương trình từ lớp 1 đến lớp 12, với thời lượng khá lớn, mỗi tuần 1 tiết học chính khóa trong suốt năm học. Hơn nữa, ở cấp THCS và THPT số môn tăng lên, ngoài 3 môn ngữ văn, lịch sử, địa lý như trước, còn bổ sung vào các môn về văn hóa xã hội (tìm hiểu về danh nhân, di tích văn hóa – lịch sử, nghề truyền thống, nghệ thuật kiến trúc, các lễ hội, kinh tế…), âm nhạc, mỹ thuật.

binh1638361635340123198.jpg

Việc đưa nội dung giáo dục địa phương vào chương trình giáo dục phổ thông để giảng dạy cho học sinh là việc làm hợp lý và rất cần thiết. Bởi lẽ, chương trình và sách giáo khoa cung cấp kiến thức từ địa lý, lịch sử, văn học, đến văn hóa nói chung cho học sinh hiểu biết khá rộng từ cổ đại đến hiện đại, từ Đông sang Tây trên toàn thế giới, nhưng những nét đặc điểm cơ bản về địa lý, lịch sử, văn học, văn hóa trên chính quê hương mình sinh ra và lớn lên thì các em mù mờ không biết đến. Không biết vì trước đây cơ cấu chương trình không dành thời lượng cho nội dung giáo dục địa phương, suốt năm tháng cắp sách đến trường thời phổ thông các em không có điều kiện để biết. Vì thế việc đưa nội dung giáo dục địa phương vào nhà trường phổ thông là hết sức thiết thực. Giúp các em hiểu biết, tự hào, yêu quý và trân trọng, gìn giữ những vốn quý về vật chất cũng như tinh thần cha ông để lại, góp phần bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh. Như nhà thơ Xô viết – Nga Ilya Ehrenburg (1891-1962) đã nói: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”.

Để có cơ sở dạy và học nội dung địa phương cần phải có tài liệu tương đối chuẩn và thống nhất, vì thế Bộ GD&ĐT yêu cầu các tỉnh giao cho Sở GD&ĐT tổ chức biên soạn để nội dung tài liệu sát với thực tế riêng của từng tỉnh. Theo chúng tôi biết, đến nay, Sở GD&ĐT kết hợp Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã biên soạn và in thành sách phát hành đến tận học trò. Ở đây chỉ đề cập ở cấp THCS và THPT: Cấp THCS mới in được sách cho lớp 6, 7; cấp THPT mới có sách lớp 10. Riêng tài liệu lớp 8 và lớp 11 đã biên soạn, đã thông qua hội đồng thẩm định của tỉnh và của Bộ, nhưng các thủ tục từ biên soạn đến thẩm định chậm trễ, cuối năm học mới xong, rơi vào thời điểm chỉ còn chưa đầy 2 tháng là nghỉ hè, nên việc in sách để phát hành đến học sinh là không khả thi. Trước tình trạng đó, Sở GD&ĐT khá linh hoạt, tạm thời chuyển file tài liệu nội dung giáo dục địa phương lớp 8 và lớp 11 đã trình duyệt về cho các trường, để thầy cô tải xuống (download) biên soạn giáo án giảng dạy, nhằm giúp học sinh không bị mất kiến thức trong cơ cấu chương trình của năm học.  

Việc dạy nội dung giáo dục địa phương hiện nay có nhiều cái khó, đó là không đủ và không có giáo viên bộ môn, nhất là ở cấp THPT – từ trước đến nay, Bộ GD&ĐT chưa đào tạo giáo viên ở các bộ môn âm nhạc, mỹ thuật. Mấy năm qua, từ khi thực hiện nội dung giáo dục địa phương, từ THCS đến THPT, những trường thiếu hoặc không có giáo viên bộ môn, hiệu trưởng phân công những giáo viên chưa đủ giờ chuẩn – ở bất kỳ bộ môn nào, dạy giáo dục địa phương. Thậm chí có trường (THCS) phân công giáo viên tin học dạy hết các môn giáo dục địa phương. Vậy họ biết gì mà dạy! Giáo viên than khổ, học trò cũng khổ, vì bắt các em xem bài học rồi trả lời các câu hỏi trong sách, nhưng giáo viên cũng không xác định được đúng hay sai. Tình trạng này, chúng tôi đã trao đổi với giám đốc sở. Qua theo dõi, dĩ nhiên không đầy đủ, thấy rằng năm học 2023 – 2024 này nhiều trường đã khắc phục, chuyển nội dung giáo dục địa phương về cho tổ bộ môn để phân công giáo viên đứng lớp. Nhưng đối với cấp THPT, 2 bộ môn âm nhạc và mỹ thuật vẫn bỏ trống, nhiều trường linh hoạt tổ chức sinh hoạt chuyên đề cho khối lớp.

Chủ nhật tuần trước, tôi có gặp một giáo viên THPT, cô nói về dạy tài liệu giáo dục địa phương môn ngữ văn lớp 11. Tuy chưa có sách, nhưng thầy phó hiệu trưởng chuyên môn yêu cầu giáo viên lên lớp thực hiện đầy đủ theo quy chế từ soạn giáo án đến ra đề kiểm tra. Tôi có xin xem 1 đề kiểm tra, thấy cô giáo yêu cầu học sinh: “Viết bài văn đánh giá giá trị đặc sắc của hồi ký Trận phục kích Đá Ông Địa của nhà văn Hồ Phú Diên”. Đề có ma trận, đáp án và biểu điểm cụ thể. Dĩ nhiên nội dung đề có thể còn một vài trao đổi thêm, nhưng chỉ đạo thực hiện chuyên môn vào cuối năm “cập rập” mà được như thế là điều hết sức trân trọng và cần phải ghi nhận. Bởi không biết vào thời điểm vừa rồi có bao nhiêu trường đã làm được như vậy.

VÕ NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đinh Trần Thủy Tiên và những thành tích đáng nể
BTO-Với rất nhiều thành tích đã đạt được: Giải nhất trong Hội thi Đình - Cấp quốc gia - Trạng nguyên tiếng Việt năm học 2023 – 2024 và đã được UBND thị xã La Gi khen thưởng đột xuất; Giải nhất truyền thống - tác phẩm “La Gi in my eyes”, tại cuộc thi sáng tác clip tiếng Anh giới thiệu về tỉnh Bình Thuận với chủ đề “Bình Thuận tôi yêu” năm 2023.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đôi điều về giáo dục địa phương