Theo dõi trên

Đôi điều về trải nghiệm

20/05/2022, 06:04

Anh bạn nêu vấn đề, đa số học sinh của chúng ta hiện nay nghèo về kỹ năng sống, nên rất chậm chạp, lúng túng, có lúc bế tắc trong việc xử lý tình huống có tính phức tạp khi gặp phải. Nghe thế, một thầy giáo nói, chương trình giáo dục mới (2018) bổ sung vấn đề này bằng cả một môn học đấy.

Từ lý thuyết đến thực tiễn

Anh bạn tôi rời bục giảng đã lâu, nghĩ mình không theo kịp tình hình giáo dục, nên lắng nghe thầy giáo ngồi đối diện giải thích, xem bổ sung cái mới của chương trình là cái gì. Thầy giáo nói, tên gọi đầy đủ của môn học này ở cấp tiểu học là hoạt động trải nghiệm, còn ở cấp trung học là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Cấu trúc trong chương trình tổng thể riêng môn này (cấp trung học) đến 3 tiết/tuần, quỹ thời gian dành cho môn học tương đương với các môn ngữ văn, toán (105 tiết/năm). Anh bạn tôi ngơ ngác hỏi, không biết nội dung sẽ dạy những gì mà không nghe nói chuyện tuyển sinh đào tạo giáo viên bộ môn? Thầy giáo cười, cũng giống như các môn âm nhạc, mỹ thuật, chương trình đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố từ năm 2018, đến nay (2022) đã 5 năm - chưa kể thời gian dự thảo trước đó, nhưng từ bộ đến tỉnh có thấy kế hoạch đào tạo gì đâu! Anh bạn nhìn thầy giáo, vậy lấy ai dạy? Thầy giáo nói, việc phân bổ dạy - học môn này cũng khá đặc biệt, trong hướng dẫn thực hiện cho các loại hình của hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp này gồm có: Sinh hoạt dưới cờ: 1 tiết/tuần; sinh hoạt lớp: 1 tiết/ tuần; hoạt động giáo dục theo chủ đề – trong đó: + Hoạt động trải nghiệm thường xuyên: 1 tiết/tuần, + Hoạt động trải nghiệm định kỳ: 1 – 2 lần/học kỳ (sử dụng thời gian ngoài giờ lên lớp); hoạt động câu lạc bộ ngoài giờ lên lớp. Không biết, năm học mới sắp đến rồi, hiệu trưởng sẽ bố trí giảng dạy như thế nào cũng chưa rõ. Sợ nhất là rơi vào tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”! Anh bạn hỏi, “bắt cóc bỏ đĩa” là sao? Thầy giáo nói bây giờ có hiện tượng một số bộ môn thừa giáo viên, sẽ tổ chức tập huấn rồi bố trí cho những giáo viên ấy lên lớp, giống như cách bố trí giáo viên giảng dạy các tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp trước đây, chứ giáo viên không được đào tạo bài bản ở trường sư phạm; bộ cũng đã tập huấn triển khai.

hoat-dong.jpg
Các em trải nghiệm gieo hạt giống ở môn khoa học. Ảnh minh họa.

Nghe thế, anh bạn tôi về tìm hiểu về nội dung tập huấn. Mấy ngày sau, anh gặp lại thầy giáo hôm trước và tôi, nói đã đọc qua tài liệu tập huấn. Nội dung lý thuyết viết ra để tập huấn nghe chừng chặt chẽ lắm, nhưng giữa lý thuyết và thực tế dạy - học ở các cơ sở trường học là cả vấn đề không đơn giản như lý thuyết những người biên soạn ngồi nghĩ ra. Anh nói, tôi đơn cử cách thuyết minh: “Chương trình được xây dựng dựa trên các lý thuyết cơ bản trong khoa học giáo dục: Lý thuyết hoạt động, lý thuyết học trải nghiệm làm cơ sở để thiết kế các phạm vi, chủ đề và phương thức hoạt động cũng như đánh giá kết quả hoạt động… Làm thế nào để phát triển hài hòa, toàn diện và tác động được đến sự toàn vẹn nhân cách học sinh, chương trình phải dựa trên các lý thuyết về nhân cách, tâm lý học nhân văn, tâm lý học cấu trúc”… Cách lý luận quả cao siêu, nhưng đi vào một hoạt động cụ thể, ví như tiết học trải nghiệm, hướng nghiệp dưới cờ – tiết học này cùng một lúc cho tất cả học sinh toàn trường tham dự. Vấn đề đặt ra là cách dạy và đánh giá. Nếu phân công một giáo viên lên giảng, thế bằng cách nào để tương tác phỏng vấn phát huy tư duy tích cực của học sinh? Hay thầy thuyết trình từ đầu đến cuối cho hết tiết, rồi giải tán? Hay tổ chức hình thức sân khấu hóa cho học sinh ngồi xem? Rồi ai là người đánh giá kết quả học tập của từng học sinh và đánh giá như thế nào về những tiết học như thế? Với tiết dạy – học này, cũng không rõ thế nào là “dựa trên các lý thuyết về nhân cách, tâm lý học nhân văn, tâm lý học cấu trúc” mà người viết đã nêu trong tài liệu bồi dưỡng?

Nên nhớ là học sinh lớp 10 phổ thông

Tài liệu còn đưa ra những vấn đề hết sức lý tưởng cho học sinh lớp 10, như qua quá trình giảng dạy, có những nội dung yêu cầu học sinh cần phải đạt được trong tiết học hoạt động hướng nghiệp, đó là học sinh phải nắm bắt được 3 vấn đề: a) Xác định được những hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương và nêu được thông tin, yêu cầu cơ bản về các nhóm nghề này; b) Tìm hiểu được những điều kiện đảm bảo an toàn và sức khỏe nghề nghiệp trong từng lĩnh vực nghề nghiệp; c) Phân tích được phẩm chất và năng lực cần có của người lao động thông qua trải nghiệm một nghề cụ thể và yêu cầu của nhà tuyển dụng. Hay nói về hoạt động rèn luyện phẩm chất, năng lực phù hợp với định hướng nghề nghiệp, yêu cầu học sinh: a) Đánh giá được sự phù hợp của bản thân với nhóm nghề định lựa chọn; b) Xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện bản thân theo định hướng nghề nghiệp; c) Lựa chọn được cách rèn luyện phù hợp về phẩm chất và năng lực cần thiết cho nhóm nghề định lựa chọn… Còn nhiều nội dung khác cũng tương tự như vậy!

Nói đến đây, anh bạn nhìn tôi và thầy giáo ngồi đối diện: Với cách bồi dưỡng giáo viên như đã nói, liệu kết quả giữa thực tế dạy – học và mớ lý thuyết đã nêu kia sẽ đi về đâu?                        

VÕ NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
La Gi: Trao học bổng “Tiếp bước cho em đến trường” cho học sinh, sinh viên vượt khó
Sáng 19/5, Hội Khuyến học La Gi tổ chức trao học bổng “Tiếp bước cho em đến trường” học kỳ II, năm học 2021 - 2022.
Nổi bật
Thêm một lần đau
Cuộc họp báo trước trận đấu giữa Fury và Usyk đã diễn ra đầy kịch tính, kết thúc bằng màn "lườm nhau" dài nhất lịch sử quyền Anh: 12 phút. Bất phân thắng bại trong “cú lườm thế kỷ, song sau 12 hiệp thi đấu, phần thắng vẫn tiếp tục nghiêng về Usyk và Tyson Fury lại thêm một lần “nếm trái đắng”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đôi điều về trải nghiệm