Lễ hội Katê Pô Tằm của cộng đồng người Chăm Bàlamôn giáo được tổ chức theo tập tục truyền thống hàng năm diễn ra tại đền Pô Tằm ở khu phố 3, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc. Nơi đây thờ thần Pônathít (tên hiệu Pô Tằm) là người có công hướng dẫn nhân dân khai khẩn đất hoang hóa, lập ruộng đồng, đắp đập khai mương, dẫn thủy nhập điền, chăm lo đời sống người dân. Lễ hội Katê giữ vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong đời sống và sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm của huyện Hàm Thuận Bắc nói riêng, tỉnh Bình Thuận nói chung trong suốt tiến trình lịch sử hình thành và phát triển.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa của các dân tộc anh em khác, cũng như tác động của cơ chế kinh tế thị trường… nhưng về cơ bản lễ hội vẫn được gìn giữ, duy trì theo đúng tập tục truyền thống do tổ tiên, ông bà để lại. Với những giá trị và ý nghĩa về lịch sử, văn hóa đặc sắc, tiêu biểu đó nên ngày 4/4/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 776 đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đền Pô Tằm được đồng bào Chăm Bàlamôn giáo ở thị trấn Ma Lâm lập nên vào năm 1917 và đến năm 1992 được trùng tu nâng cấp. Nơi đây hàng năm duy trì tổ chức Lễ hội Katê Pô Tằm thực hiện nhiều lễ nghi, lễ hội quan trọng trong di sản văn hóa phi vật thể, phản ánh nhiều khía cạnh văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo gắn liền sinh hoạt, đời sống kinh tế - xã hội trong di sản văn hóa của người Chăm. Trong 2 ngày diễn ra Lễ hội Katê, đồng bào Chăm đã về dâng lễ, cúng ông bà, tổ tiên, các vị chức sắc thay mặt cộng đồng người Chăm thực hiện các nghi thức lễ và múa mừng Lễ Katê, bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn tổ tiên. Dịp này, các nghệ nhân, các chàng trai, cô gái đồng bào Chăm thể hiện tài năng múa hát mừng Lễ hội Katê, tiếng trống ghi năng, tiếng kèn saranai vang vọng, những thiếu nữ với chiếc áo dài khoe sắc cùng điệu múa Chăm truyền thống… thu hút nhiều người đến xem.