Theo dõi trên

Đồng bào Raglai, K’ho: Lưu giữ “hạt ngọc” núi rừng

06/01/2022, 06:55

BT- Khi tiết trời lành lạnh vào xuân thì những nương lúa rẫy (hay còn gọi là lúa mẹ) của đồng bào Raglai, K’ho ở huyện Bắc Bình đã trĩu hạt vàng óng chờ bàn tay thu hoạch. Lúa đầy bồ cũng là lúc đồng bào nơi đây chuẩn bị ăn mừng Tết Đầu lúa năm 2022 vào rằm tháng 12 âm lịch này.

tet-dau-lua-1-.jpg
Thu hoạch lúa rẫy ở xã Phan Lâm.

Ở các xã vùng cao Phan Tiến, Phan Điền, Phan Lâm, Phan Sơn huyện Bắc Bình xen lẫn những ruộng lúa nước trù phú giống mới cho năng suất cao, những nương ngô xanh mướt thì đồng bào Raglai, K’ho vẫn dành ra những diện tích triền đồi để trồng lúa rẫy. Lúa rẫy hiện nay không còn nhiều, mỗi gia đình chỉ trồng từ 1 – 2 sào là cách đồng bào gìn giữ nét văn hóa truyền thống và bảo tồn giống lúa, duy trì giống cho các vụ sau.

Từ tháng 11 âm lịch, những khoảnh nương bắt đầu thơm mùi lúa rẫy cũng là vào mùa thu hoạch, nương rẫy rộn ràng tiếng cười nói. Những ruộng lúa cao đến khuất đầu người đã ngả màu vàng óng, bông lúa nặng trĩu hạt, no tròn đong đưa theo gió. Đồng bào nơi đây không dùng liềm cắt lúa, mà dùng tay tuốt từng bông lúa bỏ vào gùi. Chiếc gùi được bà con mang trước bụng hứng những hạt lúa chín rồi địu về làng. Lúa khi thu hoạch xong được phơi khô, cất giữ cẩn thận vào bồ. Làm như vậy để hạt gạo khi đem ra nấu sẽ giữ được mùi thơm, cơm nấu dẻo. Theo phong tục, mùa lúa mới thu hoạch xong cũng là lúc buôn làng rộn rã niềm vui ăn mừng Tết Đầu lúa - ngày tết quan trọng, mang nhiều nét văn hóa độc đáo, sinh động của cộng đồng người Raglai, K’ho. Lúc này, những hạt lúa rẫy được đem ra nấu nồi cơm trắng, dẻo thơm, những ché rượu cần nồng đượm dâng lên cúng mừng lễ lúa mới, tạ ơn và cầu xin Giàng (trời), thần lúa cho dân làng có cuộc sống ấm no, sung túc.

Từ bao đời nay, gia đình bà Đào Thị Thiệu – tổ tự quản số 2, xã Phan Lâm mỗi năm đều trồng lúa rẫy và là hộ còn lưu giữ diện tích trồng lúa rẫy nhiều nhất xã đến 8 sào. Qua lời bà Thiệu chia sẻ, phong tục của người Raglai cũng như K’ho nơi đây trồng lúa rẫy đều để sinh trưởng và phát triển theo lẽ tự nhiên của đất trời, mà không hề sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu. Hàng năm, từ tháng 4-5 dương lịch, đồng bào bắt đầu dọn rẫy, gieo hạt, đàn ông đi trước chọc lỗ, đàn bà đi sau bỏ hạt rồi lấp hạt lúa lại, chừng 6 tháng sau vào khoảng tháng 10 - 11 âm lịch là thu hoạch. Từ lúc trỉa hạt cho đến khi thu hoạch, bà con chỉ tốn công làm cỏ, còn sự sống thì “phó mặc” cho cây tự sinh, tự dưỡng theo quy luật tự nhiên. Vì vậy, mà cũng có năm thời tiết thuận lợi thì cây lúa rẫy đơm bông, kết thành hạt lúa to chắc nịch cũng có năm thời tiết bất lợi, lúa rẫy không sinh trưởng được, công phát rẫy, trỉa hạt của đồng bào coi như “công dã tràng”. “Sản lượng lúa không cao nhưng chất lượng gạo thì rất ngon. Lúa rẫy khi nấu cơm, hạt gạo sẽ nở to, dẻo, có vị ngọt, bùi, mùi thơm ngát rất đặc trưng của sản vật núi rừng”, bà Thiệu nói.

tet-dau-lua-2-.jpg

Thống kê của Hội Nông dân xã Phan Lâm, hiện toàn xã chỉ còn hơn 3 ha trồng lúa rẫy. Mùa thu hoạch lúa rẫy cũng vừa kết thúc, bà con ai cũng vui phấn khởi bởi không chỉ lúa rẫy năng suất khá mà cây bắp, cây đậu, lúa nước cũng được mùa, được giá. “Hạt cơm lúa rẫy đã nuôi lớn bao thế hệ người Raglai, K’ho, việc giữ cây lúa rẫy cũng là gìn giữ những giá trị truyền thống và sự cần thiết trong đời sống sinh hoạt văn hóa hàng ngày đồng bào nơi đây”, Già làng Mang Ngọc Văn ở xã Phan Lâm cho biết thêm.

T.DUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tổ chức Tết Đầu lúa phạm vi gia đình
UBND tỉnh vừa có công văn số 05 về tổ chức Tết Đầu lúa và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đồng bào Raglai, K’ho: Lưu giữ “hạt ngọc” núi rừng