Nhiều mô hình khởi nghiệp hiệu quả
Anh K Viễn (sinh năm 1987) ở xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình là một đoàn viên thanh niên hiền lành và tích cực tham gia công tác đoàn. Nhận thấy điều kiện kinh tế gia đình anh còn nhiều khó khăn, mặc dù nhà có quỹ đất ở vùng đồi núi nhưng không thể tận dụng để phát triển kinh tế do thiếu vốn và kinh nghiệm làm ăn. Để hỗ trợ anh Viễn khởi nghiệp trên chính mảnh đất của mình, Tỉnh đoàn đã trao tặng gia đình anh 3.500 cây giống keo lai trồng trên diện tích 2 ha đất do gia đình anh sở hữu. Theo đó, Tỉnh đoàn đã huy động đoàn viên thanh niên trồng cây giúp anh và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây keo lai nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình “Trồng rừng cho thanh niên phát triển kinh tế” là mô hình hay vừa phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái vừa giúp gia đình thanh niên có hoàn cảnh khó khăn như anh Viễn từng bước cải thiện ổn định đời sống. Hiện mô hình này đang được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh nhân rộng và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Hay trường hợp của anh Nguyễn Trường An, đoàn viên Chi đoàn khu phố 3, phường Tân Thiện (thị xã La Gi) đã nghiên cứu, chế tạo thành công sản phẩm nước thanh long đỏ lên men và được nhiều người ưa chuộng. Nhận thấy mô hình của anh An có chiều hướng phát triển tốt và nâng cao giá trị của trái thanh long, giúp đưa hình ảnh của trái thanh long Bình Thuận đến gần hơn với người tiêu dùng bằng nhiều hình thức và sản phẩm đa dạng. Tỉnh đoàn đã chủ động hỗ trợ tạo điều kiện cho anh An tham gia vào các lớp tập huấn về kiến thức khởi nghiệp, lập nghiệp. Đồng thời, đề nghị Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Thuận hỗ trợ quảng bá, trưng bày sản phẩm của anh. Không chỉ dừng lại ở đó, Tỉnh đoàn còn hỗ trợ anh An hoàn thành hồ sơ và giới thiệu mô hình “Chế biến nước thanh long đỏ lên men” tham gia Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận năm 2020 – 2021 do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức và đã vượt qua hàng trăm dự án, ý tưởng khác giành giải khuyến khích.
Những mô hình “Trồng rừng cho thanh niên phát triển kinh tế” hay mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của anh An nêu trên đang ngày càng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương, đồng thời tạo động lực cho đoàn viên thanh niên lập thân, lập nghiệp.
Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
Năm 2021 mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nhưng các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tập trung đầu tư nghiên cứu nội dung, cách thức tổ chức chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng địa phương và tình hình dịch bệnh. Trong năm, Tỉnh đoàn đã tổ chức phát động Hội thi “Ý tưởng, Dự án khởi nghiệp sáng tạo” lần II, ký kết chương trình phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh để tăng cường các nguồn lực hỗ trợ các ý tưởng, sáng tạo khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên. Cùng với đó, phối hợp Trung tâm Hướng nghiệp TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình tư vấn khởi nghiệp online cho học sinh, sinh viên với chủ đề “Gieo mầm ý tưởng khởi nghiệp”, triển khai chương trình “Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp” với mục tiêu hỗ trợ 500 thanh niên nông thôn nuôi 500 con giống gia súc (bò, dê, heo) trong trang trại của doanh nghiệp đến lúc xuất bán. Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ, giúp thanh niên có việc làm, thanh niên yếu thế, thanh niên hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng hay tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ… được quan tâm thực hiện. Kết quả, trong năm các cấp bộ Đoàn đã phối hợp giới thiệu việc làm cho 4.227 thanh niên, hỗ trợ 15 mô hình khởi nghiệp trong thanh niên…
Qua phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” ngày càng khẳng định vai trò của tuổi trẻ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phong trào đã góp phần cổ vũ, định hướng và hỗ trợ thanh niên vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp. Từ đó đã phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên trong công tác tuyên truyền và thực hiện thắng lợi đề án xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh hướng tới xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.