Theo dõi trên

Động lực mới cho Bình Thuận bứt phá

06/04/2023, 07:18

Từ mùa thu năm 2022 đến mùa xuân năm 2023, khoảng thời gian không xa, Bình Thuận vinh dự được đón các đoàn công tác của Trung ương, do các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta dẫn đầu, về thăm và làm việc.

Tháng 8/2022, đón đoàn công tác của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhân dịp Bình Thuận kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh. Những ngày cuối tháng 3 vừa qua, đón đoàn công tác của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, nhân dịp khai mạc Năm Du lịch quốc gia “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Qua đó để thấy Trung ương, Quốc hội và Chính phủ luôn sát cánh đồng hành cùng Bình Thuận trong quá trình phát triển. Trong những chuyến thăm và làm việc này, các đoàn công tác của Trung ương đánh giá cao những thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận đã đạt được về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong những năm qua; cảm nhận sâu sắc về đất và người Bình Thuận, vùng đất tự hào về thiên nhiên và truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng hào hùng, từng trải qua quá trình chiến đấu, dựng xây - phát triển, tự lực, tự cường, vươn lên từ vùng đất “khô, khó, khổ” và đang hướng tới xanh, sạch, đẹp, khang trang, hiện đại với những tiềm năng, lợi thế và nền tảng vững chắc. Đồng thời chỉ ra những “điểm nghẽn”, hạn chế cần tháo gỡ.

Gợi kế sách cho Bình Thuận bứt phá

Người đứng đầu Quốc hội và người đứng đầu Chính phủ đã “hiến kế” cho Bình Thuận những điểm nhấn quan trọng và đồng bộ cả về cơ sở hạ tầng lẫn kiến trúc thượng tầng để tạo động lực mới cho Bình Thuận phát triển “bứt phá”. Chủ tịch Vương Đình Huệ và Thủ tướng Phạm Minh Chính đều rất quan tâm đến việc Bình Thuận khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy (ngày 26/3/2023), Chủ tịch Quốc hội lưu ý Bình Thuận khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của tỉnh trên cơ sở phát triển và khai thác tối đa kết cấu hạ tầng hiện có. Yêu cầu Bình Thuận cần phải xác định rõ hơn nội hàm 3 trụ cột kinh tế (công nghiệp, du lịch - thể thao biển, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao), trong từng trụ cột phát triển phải tập trung làm gì, nghiên cứu, tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới, từ đó định hướng phát triển và có chiến lược thu hút đầu tư. Có chiến lược khai thác tài nguyên, môi trường, kết cấu hạ tầng du lịch, đặc biệt là sản phẩm du lịch để thu hút du khách…

c-n.lan-2-.jpg
Cầu vượt QL 55 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: N. Lân

Trước đó, ngày 31/8/2022, khi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận: Bình Thuận đã biết tận dụng các tiềm năng, biến khó khăn thành lợi thế, biến thách thức thành cơ hội. Qua đó, Thủ tướng nhấn mạnh tỉnh cần tập trung mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược, hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục, giao thông… hạ tầng chuyển đổi số, nền kinh tế số, xã hội số… Đặc biệt là xây dựng sân bay Phan Thiết và cảng biển để mở cửa bầu trời, mở cửa vùng biển, mở ra không gian phát triển mới, phát triển “xanh, nhanh, bền vững”. Với tầm nhìn xa, trông rộng, Thủ tướng gợi ý đến việc mở rộng TP. Phan Thiết để Bình Thuận có đủ không gian cất cánh vươn cao khi đã có một nền tảng hạ tầng đồng bộ, nhất là đường cao tốc Bắc – Nam, trục phía đông, đoạn đi qua Bình Thuận và sân bay Phan Thiết khánh thành, đưa vào sử dụng.

Mong muốn Bình Thuận vững bước đi lên với một chỉnh thể kinh tế - xã hội của địa phương vững chắc, các đồng chí lãnh đạo Trung ương không chỉ quan tâm đến việc định hướng cho đầu tư kết cấu hạ tầng, mà còn đặc biệt quan tâm đến việc củng cố, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là đối với Đảng bộ và chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ để đủ sức biến tiềm năng, lợi thế mọi mặt của địa phương thành sức bật mạnh mẽ cho sự phát triển của Bình Thuận trong thời kỳ mới, chăm lo tốt hơn cho đời sống của người dân.

“Quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn”

Cùng gợi kế sách cho Bình Thuận phát triển là việc ghi nhận những kiến nghị từ các đồng chí lãnh đạo địa phương về điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến titan; Sớm quyết định chủ trương triển khai dự án Hồ chứa nước La Ngà 3 (Tánh Linh). Tiếp tục đầu tư phát triển huyện đảo Phú Quý. Hỗ trợ từ nguồn thu dầu khí khai thác trên vùng biển Bình Thuận để đầu tư phát triển hạ tầng nghề cá và tạo sinh kế cho ngư dân.

du-khach-vui-choi-n.-lan-2-.jpg
Du khách vui chơi, nghỉ dưỡng và tắm biển ở Hàm Tiến . Ảnh: N. Lân.

Đáp lại sự quan tâm của Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An, đại diện cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận thể hiện tâm nguyện: “Bình Thuận sẽ luôn giữ gìn đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng bộ, các cấp chính quyền và nhân dân; nỗ lực, quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn để vượt qua khó khăn, thử thách, tận dụng tốt thời cơ, lựa chọn hướng đi phù hợp, xây dựng quê hương Bình Thuận phát triển toàn diện...”. Những điều đó được thực thi trên thực tế, tin tưởng rằng: “Với tiềm năng lợi thế về nhiều mặt của địa phương, Bình Thuận hội đủ điều kiện quan trọng để bứt phá phát triển mạnh mẽ”. Và “Bình Thuận sẽ trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng…”, như điều mà Chủ tịch Quốc hội – Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt niềm tin khi về thăm và làm việc tại Bình Thuận sẽ trở thành hiện thực.

“Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên, không ngừng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ… tiếp tục giữ gìn, củng cố và vun đắp cho sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận; phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm, sự nỗ lực của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân”.

“Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Đây chính là một trong những nguồn lực quan trọng nhất để tỉnh phát triển nhanh và bền vững”.

Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính

DUY HÀ


(2) Bình luận
Bài liên quan
Nhà Đại đoàn kết, giúp người nghèo “an cư lạc nghiệp”
Bằng nhiều hình thức vận động, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã huy động các nguồn lực xã hội chung tay giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo, giúp họ “an cư lạc nghiệp”, có thêm động lực từng bước vươn lên thoát nghèo.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Động lực mới cho Bình Thuận bứt phá