Các công ty du lịch ở TP.HCM đã phải thiết kế lại chương trình tour, vẽ lại bản đồ du lịch khi tuyến Sài Gòn – Phan Thiết chỉ mất hơn 2 tiếng đồng hồ đi xe, thay vì 5 – 6 tiếng như trước đây. Nhiều resort ở Hàm Tiến - Mũi Né không giấu được niềm vui khi lượng khách đặt phòng từ lễ 30/4 – 1/5 vừa qua đến nay tăng đột biến. Có thể khách lưu trú chỉ từ 1 – 2 đêm, nhưng Bình Thuận đang là lựa chọn hàng đầu của nhiều gia đình muốn về vùng biển nghỉ dưỡng với cơ sở hạ tầng lưu trú cao cấp hơn các địa phương lân cận. Việc này mở ra cơ hội rất lớn cho ngành du lịch nơi đây.
Đây cũng là năm Bình Thuận đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với rất nhiều sự kiện nổi bật sẽ diễn ra trong và ngoài tỉnh. Do đó, các địa phương trong tỉnh đã tận dụng cơ hội này gấp rút tìm thêm các sản phẩm mới và tăng cường quảng bá, vì cao tốc đã làm tăng sự cạnh tranh giữa các vùng du lịch trước đây còn cách xa nhau. Các công ty du lịch ở TP.HCM đã mạnh dạn thiết kế “tour 1 ngày” dành cho Phan Thiết, mà trước đây tour này chỉ dành riêng cho Vũng Tàu, Đồng Nai – nơi gần TP.HCM nhất. Du khách chỉ mất 2 giờ ra đến Phan Thiết ăn bánh hỏi lòng heo, tham quan vài điểm, nghỉ trưa, tắm biển, ăn hải sản, tối lại thong thả về nhà. Rõ ràng, chỉ có cao tốc mới khiến ngành du lịch nơi đây thay đổi ngoạn mục như vậy.
Có thể thấy khu vực Hòn Rơm trước đây thu hút rất nhiều khách đoàn, các công ty, xí nghiệp… tổ chức cho nhân viên du lịch hè. Nhưng từ năm 2023, lượng khách này giảm hẳn vì kinh tế khó khăn. Thay vào đó, khách gia đình tăng đột biến. Họ đi ô tô riêng, thích trải nghiệm cao tốc mới chạy băng băng, không phải lo kẹt xe và tiết kiệm thời gian khá nhiều so với trước. Đây chính là yếu tố tiên quyết thúc đẩy thị trường du lịch phát triển.
Không chỉ các điểm du lịch phía Nam của tỉnh hưởng lợi, mà du lịch mảng Bắc cũng theo đó hút khách, bởi có tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, thì chỉ mất khoảng 4 giờ, du khách có thể vi vu đi từ TP. HCM ra tận Tuy Phong. Những nơi tưởng chừng như xa xôi nay bỗng hóa gần, giúp du khách có thêm cơ hội trải nghiệm những điểm mới như tham quan Hòn Cau, thăm chùa Cổ Thạch và bãi đá 7 màu, tham quan vườn nho Phước Thể, táo Phong Phú và những trải nghiệm lý thú khác. Có thể du khách chỉ lưu trú ở Tuy Phong 1 ngày, hôm sau có thể thuận lợi lên Đà Lạt, nhưng là tín hiệu đáng mừng cho du lịch Tuy Phong trong tương lai. Lãnh đạo địa phương cần tận dụng cơ hội này để ngành “công nghiệp không khói” hái ra tiền, những người làm du lịch nơi đây cũng phải thay đổi, nghĩ cách níu chân du khách bằng những sản phẩm du lịch mới, đa dạng hơn với các loại hình dịch vụ đặc sắc. Trong tháng 5 vừa qua, du lịch Bình Thuận tiếp tục ghi dấu ấn khi đón hơn 800.000 lượt khách, tăng 9,18% so với tháng trước và tăng 66,45% so cùng kỳ năm ngoái. Dự báo du lịch hè năm nay sẽ sôi động hơn cả, khi các cơ sở lưu trú đang đạt công suất phòng từ 70 – 80% vào những ngày cuối tuần.
Giao thông đối ngoại đã thông, đây là thuận lợi lớn của tỉnh không phải nơi nào cũng có được. Vấn đề còn lại là địa phương, ngành chức năng và cộng đồng doanh nghiệp kể cả người dân cần nắm bắt để qua đó tận dụng tốt “cơ hội vàng”, chung tay xây dựng, giữ vững hình ảnh và thương hiệu cho điểm đến Bình Thuận.