Quan tâm đẩy mạnh du lịch đường thủy không chỉ làm đa dạng sản phẩm du lịch mà còn giải quyết thực trạng người dân, du khách lén lút thuê ca nô, tàu cá du ngoạn, câu khơi trên biển, sông, hồ, không đảm bảo an toàn tính mạng người dân.
Nhu cầu có
Việc đẩy mạnh du lịch đường thủy để làm giàu thêm sản phẩm du lịch của tỉnh là cần thiết khi những năm qua loại hình du lịch này phát triển mạnh ở các tỉnh, thành khác trên cả nước. Ở Bình Thuận cũng manh nha có từ cách đây hơn 10 năm, xuất phát từ một cá nhân đam mê, nhưng rồi lại ngừng hoạt động vì ngành chức năng cho rằng phương tiện không đảm bảo an toàn.
Ông Phạm Văn Phong - chủ quán cà phê Hoa Viên Hội Ngộ ở khu phố 5, phường Phú Tài, thành phố Phan Thiết cho biết: “Vào những năm 2008, ông đi các tỉnh miền Tây, Hội An, thấy họ tổ chức loại hình du lịch đường thủy hay quá, ông về cải biến lại chiếc ghe của nhà mình thành tàu chở khách ngắm cảnh trên sông Cà Ty. Khách chủ yếu ở trong tỉnh, ai có nhu cầu thì thông báo trước với ông để canh thủy triều tổ chức đi. Cứ mỗi khách 20.000– 50.000 đồng/khách tùy xa hoặc gần, chuyển tiền cho ông trước khi xuất bến để chuẩn bị xăng, dầu, đồ ăn, thức uống cũng như những gì khách muốn”.
Ông Phong nhớ lại, hồi đó không có loa kẹo kéo như bây giờ, khách hát karaoke phải chạy bằng máy nổ, rồi tấm tắc khen những chuyến đi ấy rất vui, được ngắm cảnh đẹp hai bên bờ sông Cà Ty, nhất là gần tết. Có những đoạn bờ sông hoa vàng rực, nước đầu nguồn trong veo thấy được cả sỏi đá, cá bơi lội dưới lòng sông. Nhưng đến năm 2011 xảy ra sự cố chìm tàu 2 tầng chở khách trên sông Sài Gòn của Khu du lịch Dìn Ký, ngành chức năng lo ngại nên ông ngừng hoạt động.
Đó là rủi ro không mong muốn, vì nghề nào cũng có lúc rủi lúc may. Các tỉnh, thành khác họ phát triển kinh tế trên sông gắn với mở tour du lịch rất hiệu quả, nếu tỉnh mình quan tâm phát triển tour du lịch trên sông, trên biển cũng rất hay, ông Phong nói thêm.
Kể từ đó, dòng Cà Ty hiền hòa với tàu cá tấp nập, tưởng chừng chỉ có vậy, nhưng người dân, du khách vẫn lén rủ nhau thuê tàu cá chở đi dạo trên sông, nhất là những năm gần đây. Mới đây Đội Cảnh sát đường thủy - Phòng Cảnh sát giao thông phát hiện và xử phạt 2 chủ phương tiện tàu cá chở khách du ngoạn trái phép trên sông là điển hình.
Không chỉ thuê tàu cá dạo trên sông, nhiều người còn thuê ca nô ở các cơ sở cho thuê tự phát ở Mũi Né, tận hưởng cảm giác mạnh trên biển. Ngoài ra còn có nhiều nhóm người trong và ngoài tỉnh đến Bình Thuận thuê tàu cá đi câu khơi, một dạng du lịch mạo hiểm. Ông Trần Văn T, một trong số ngư dân được nhiều nhóm người thuê chở đi câu cho biết: “Trước đây ít nhóm người thuê tàu cá của chúng tôi đi câu khơi, nay thì nhiều hơn vì họ cứ đi câu được nhiều cá thì chụp hình “khoe” trên mạng xã hội, người khác biết lại tìm hiểu, xin số điện thoại gọi đến cho chúng tôi. Nhiều nhất là vào tháng 2 và tháng 3, trời êm biển lặng, ít mưa bão. Có tháng đi liên tục hết nhóm này đến nhóm khác, từ Cần Thơ, Bạc Liêu, Hà Nội, TP.HCM… Mỗi nhóm thường 5 – 7 người, yêu cầu tôi chở đến địa điểm nào thì tôi chở hoặc nhờ tôi biết chở đến chỗ nào có nhiều cá...”.
Bên cạnh đó, nhiều du khách muốn du ngoạn trên lòng hồ Đa Mi, nhưng rồi không thể đi vì không có dịch vụ. Cũng có một doanh nghiệp đầu tư du thuyền, ca nô trên hồ nhưng hoạt động trong tình trạng cầm chừng vì chưa được cấp phép. Hơn nữa nhu cầu người dân, du khách ra đảo ngọc Phú Quý rất cao, nhưng hiện chỉ dừng ở việc mua vé tàu vận tải hành khách đơn thuần ra đảo. Qua đó để thấy nhu cầu du lịch đường thủy trên thực tế là có, nhưng chưa được khai thác.
Cần quan tâm
Sở Giao thông Vận tải cho biết, thời gian qua xuất hiện nhiều tình trạng phục vụ nhu cầu du khách tự phát trên sông, biển bằng ca nô, tàu cá… Hiện sở chưa cấp phép cho trường hợp nào hoạt động chở khách du ngoạn trên sông, hồ, biển. Nếu tổ chức, cá nhân muốn được cấp phép hoạt động, sở sẽ cấp nhưng với điều kiện tỉnh có chủ trương đầu tư xây dựng bến đỗ, tuyến đi… phát triển du lịch đường thủy, triển khai đến các sở, ngành có liên quan. Vì loại hình du lịch này liên quan tính mạng con người cao, phải có sự phối hợp quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng.
Trên thực tế không phải không có tổ chức, cá nhân nào đầu tư vào loại hình du lịch này, nhưng vì thủ tục nhiêu khê nên họ ái ngại. Ông Phạm Văn Phong chia sẻ, để khai thác và phát triển loại hình du lịch này, ngoài xây dựng bến, tuyến đi... thì ngành chức năng cần khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia và hỗ trợ họ về mặt quản lý con người... Nếu không thì không đi đến đâu, tình trạng lén lút chở khách gây mất an toàn nội thủy trong bối cảnh ngư dân thiếu công ăn việc làm do ngư trường ngày một cạn kiệt vẫn diễn ra.
Theo đó, nếu Bình Thuận khai thác được du lịch đường thủy sẽ phát huy tối đa các lợi thế tiềm năng về tự nhiên. Phát huy tính trải nghiệm, tăng tính hấp dẫn đáp ứng nhu cầu đa dạng của các thị trường khách du lịch trong từng loại hình, sản phẩm. Phù hợp với Đề án Đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, cũng như quy hoạch của tỉnh nói chung, thành phố Phan Thiết trong tương lai nói riêng.
Ông Lê Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết thông tin tại cuộc họp báo 6 tháng đầu năm vừa qua: Phan Thiết đang quy hoạch các bến du thuyền, hiện đã quy hoạch 7 bến du thuyền trải dài từ xã Tiến Thành đến phường Mũi Né. Trước mắt quy hoạch chi tiết 2 bến du thuyền gồm 1 bến ở Tiến Thành tại khu đô thị Novaworld và 1 bến ở Bồng Lai Tiên Cảnh, phường Mũi Né. Ngoài ra cũng phù hợp với lộ trình xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch thể thao biển mang tầm quốc gia.
Theo Đề án Đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bình Thuận đã tổ chức lại không gian phát triển du lịch theo 4 khu vực, với nhiều sản phẩm du lịch. Trong đó, ngoài sản phẩm du lịch chủ đạo thì có du lịch nghỉ dưỡng rừng, hồ cảnh quan, du lịch mạo hiểm, khám phá…