Kết hợp với sự sáng tạo, người dân đưa thanh long vào trồng trong chậu để thành cây thanh long kiểng, chong đèn cho trái theo ý muốn. Người mua có thể đặt trong phòng khách như mai, đào, tắc... Thêm vào đó, thanh long cũng góp phần làm đa dạng ẩm thực như gỏi thanh long, chè thanh long, sinh tố thanh long, thạch thanh long… từ hoa và trái chín.
Từ những lợi thế trên, cần phát triển các vườn thành long gắn với du lịch homestay (du lịch ở nhà dân) - loại hình du lịch xanh đang thu hút du khách. Bởi trong điều kiện hội nhập kinh tế, đời sống người dân khấm khá lên sẽ phát sinh nhu cầu hưởng thụ trong đó có du lịch. Đặc biệt, quan tâm đến du lịch xanh, trở về với thiên nhiên, cây cỏ, vườn cây mát mẻ, kết hợp với học hỏi, trải nghiệm cuộc sống. Thời gian qua, nhiều địa phương đã phát triển du lịch kết hợp với vườn cây ăn trái đặc sản, góp phần tạo công ăn việc làm, giúp nông dân tăng thêm thu nhập và còn là giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế vườn. Đây cũng là động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, nhằm giới thiệu khách du lịch trong và ngoài nước nét văn hóa đặc thù của thiên nhiên và con người Bình Thuận.
Tuy nhiên, thực tế tại Bình Thuận, mô hình này đang còn bỏ ngỏ. Muốn phát triển mô hình kinh tế làm du lịch kết hợp vườn thanh long tại Bình Thuận thì cần người “mai mối” am hiểu thị hiếu của khách, đáp ứng một số yêu cầu của các hãng lữ hành để gắn kết nhà vườn và doanh nghiệp gặp nhau. Đồng thời, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ người dân làm du lịch như hạ tầng, cơ sở vật chất, đào tạo nghiệp vụ… tạo hướng phát triển bền vững cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Hy vọng, trong tương lai gần, mô hình du lịch này sẽ được khởi động tương xứng với tiềm năng của nó.
Trang Minh