Theo dõi trên

Du lịch xanh Bình Thuận

29/11/2024, 05:55

Kiến trúc thân thiện với môi trường như sử dụng vật liệu thiên nhiên mây, tre, lá để xây dựng. Tạo không gian xanh với nhiều cây trồng bản địa phù hợp điều kiện tự nhiên và sử dụng năng lượng mặt trời, điện gió đang được nhiều cơ sở du lịch Bình Thuận áp dụng để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Đồng thời tiến tới lộ trình “du lịch xanh” của Bình Thuận.

nhieu-khu-nghi-duong-cao-cap-nam-duoi-vuon-dua-o-ham-tien-anh-n.-lan-2-.jpg
Nhiều khu du lịch ở Mũi Né đã "xanh hóa"

Không phải tự nhiên mà gần đây trong số hàng triệu du khách đến tắm biển xanh và chơi trượt cát hay ngắm bình minh trên Đồi Hồng, về Novaworl vui chơi mua sắm hay đến Cam Bình, La Gi thưởng thức món hải sản tươi sống vừa kéo lưới từ biển lên... sau đó hàng chục ngàn người dành thêm thời gian để đi về các vùng núi ở các huyện nhằm thỏa thích hòa mình với hồ - thác - sông và vào vườn cây ăn trái rồi nghỉ ngơi qua đêm ở những nhà làm từ vách đến mái bằng lá dừa khô đan lớp mộc mạc. Ở hồ Hàm Thuận, Hàm Thuận Bắc và vùng La Ngâu, Tánh Linh 2 năm trở lại đây lượng khách du lịch tìm đến khá đông. Vào dịp lễ, tết hầu như phải từ chối đón khách không đặt lịch trước bởi không thể đón khách khi thiếu chỗ ăn, nghỉ. Anh A Vàng – chủ cơ sở du lịch ở Lào Cai vừa rồi đi theo chương trình Famtrip hơn 100 người từ các tỉnh, thành về Bình Thuận tham quan do Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Bình Thuận tổ chức. Sau khi đi tham quan các điểm trong tỉnh, anh theo đoàn đến Đa Mi đi du thuyền trên hồ Hàm Thuận, vào vườn trái cây lượm sầu riêng chín, hái bơ, hạt mắc – ca ở điểm du lịch thôn Đa Tro của anh Mai Văn Minh, ăn các loại đặc sản của địa phương như cá lìm kìm, cá lăng, gà đồi, cá tầm... đêm đến đốt lửa trại sinh hoạt tập thể vui nhộn và giao lưu với bà con địa phương...Anh cho biết: “Bình Thuận có nhiều điểm du lịch đa dạng hấp dẫn, từ biển - hồ - rừng – thác – sông – nông thôn... hầu như hội tụ đủ, đây là lợi thế để phát triển du lịch của Bình Thuận mà ít tỉnh, thành khác có. Như du lịch Đa Mi là loại hình du lịch xanh, hôm nay đoàn đi tham quan và ở lại qua đêm với nhiều cung bậc cảm xúc tươi mới, yên bình xen một chút lạ lẫm nên trong đoàn ai cũng thích và muốn được ở lại dài ngày hơn...”.

du-lich-tren-ho-ham-thuan-anh-n.-lan-1.jpg
Du lịch xanh ở hồ Hàm Thuận, Hàm Thuận Bắc dịp lễ tết có ngày đón cả ngàn khách. Ảnh: N.Lân

Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận khóa XV về phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, xác định ưu tiên phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống. Nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Bình Thuận là định hướng chiến lược quan trọng để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nằm trong chương trình 3 “trụ cột” kinh tế của tỉnh. Thực tế, hiện nay nhiều cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch trong tỉnh đã có phương án nhằm thực hiện lộ trình du lịch xanh bằng việc tối ưu hóa các sản phẩm du lịch, đưa các sản phẩm chất lượng cao đạt chuẩn OCOP vào phục vụ du khách. Tận dụng thiên nhiên, thắng cảnh để phát triển các dự án du lịch.

du-lich-da-ngoai-o-suoi-la-ngau-anh-n.-lan-1-.jpg
Điểm du lịch La Ngâu, Tánh Linh. Ảnh: N.Lân

Năm 2024, ngành du lịch Bình Thuận “thắng lớn” từ lượng khách đến doanh thu. Để có được thành công ấy phải kể đến “nền móng” được xây dựng Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Định hướng phát triển du lịch xanh, bền vững là xu hướng Việt Nam đang hướng đến để đáp ứng nhu cầu của khách trong nước và quốc tế. Du lịch xanh không phải “một sớm một chiều” với thời gian ngắn sẽ thực hiện được mà cả là một lộ trình dài, đòi hỏi chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng người dân, phải bắt tay với quyết tâm, kiên trì, liên tục đổi mới mới làm được. Nếu quan sát sẽ thấy trong thời gian qua Bình Thuận đã có bước chuyển biến tích cực trong quá trình thực hiện lộ trình du lịch xanh. Nét nổi bật làm được là ngành du lịch đã phối hợp cùng với các đơn vị, địa phương thay đổi nhận thức và hành động của người dân trong bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp. Các cơ sở du lịch hoạt động ngày càng chuyên nghiệp hơn, nhất là trong giao tiếp thân thiện với du khách. Quán triệt các điểm du lịch, hàng quán phục vụ du lịch niêm yết giá bán từ thức ăn đến hàng hải sản, tránh “chặt chém” du khách làm mất hình ảnh ngành du lịch Bình Thuận...

Du lịch xanh là hướng đi chiến lược bền vững của Bình Thuận, hy vọng du khách sẽ đến Bình Thuận ngày càng nhiều hơn để trải nghiệm những đổi mới của ngành du lịch Bình Thuận.

PHÚC THẮNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tầm nhìn phát triển các khu du lịch trọng điểm
Du lịch Bình Thuận đã tăng tốc về đích các chỉ tiêu cơ bản của cả năm 2024: Đón 9,68 triệu lượt du khách, đạt 101,36% kế hoạch năm 2024, tăng gần 16% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế có 320.000 lượt (tăng 16,67%) và đạt tổng doanh thu 25.500 tỷ đồng (tăng 14,35%).
Nổi bật
Thể hiện rõ trách nhiệm của đại biểu Quốc hội
Quốc hội khóa XV vừa họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 8 vào chiều 30/11. Để cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh kịp thời nắm bắt thông tin của kỳ họp, đồng thời theo dõi hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh; Báo Bình Thuận có cuộc phỏng vấn đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh khóa XV.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du lịch xanh Bình Thuận