Theo dõi trên

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, người dân

18/10/2022, 05:45

Tại hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận tổ chức mới đây, các đại biểu sở ngành liên quan đánh giá cao dự thảo Luật Đất đai trong việc thể chế hóa Nghị quyết 18 của Trung ương Đảng, đóng góp nhiều ý kiến từ thực tế nhằm hoàn thiện dự thảo luật quan trọng này.

Cần điều chỉnh về lập quy hoạch

Góp ý dự thảo, ông Trần Hữu Minh Tùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường cho biết: “Dự thảo Luật Đất đai có nhiều đổi mới, góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh, thành; song cũng còn một số vấn đề cần trao đổi, thảo luận để hoàn thiện. Cụ thể, quy định tại Điều 68 Nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) có ghi: Quy hoạch SDĐ cấp dưới phù hợp với quy hoạch, kế hoạch SDĐ cấp trên. Nội dung này chưa phù hợp thực tế, bởi quy hoạch SDĐ là việc phân bổ, khoanh định đất đai theo không gian sử dụng. Quy hoạch SDĐ quốc gia chỉ thể hiện phân vùng đất chung chung, không thể hiện hết các công trình tại các địa phương. Trong khi đó, quy hoạch SDĐ cấp huyện theo chỉ tiêu phân bổ, thể hiện đến từng thửa đất, thể hiện chi tiết nhu cầu SDĐ của các ngành, lĩnh vực nên không thể phù hợp quy hoạch, kế hoạch SDĐ cấp trên. Đề nghị điều chỉnh thành: Quy hoạch SDĐ của cấp dưới phải phù hợp với chỉ tiêu SDĐ quy hoạch SDĐ của cấp trên”.

img_6066.jpg
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Hữu Thông phát biểu về dự thảo Luật Đất đai.

Cùng đó, ông Trần Ngọc Ngà, Chi cục phó Chi cục Quản lý đất đai nêu ý kiến: “Dự thảo Luật Đất đai cần xem xét có phải quy hoạch, kế hoạch SDĐ cấp tỉnh hay không”. Lý do, quy hoạch tỉnh đã có phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh. Luật Quy hoạch không có quy hoạch SDĐ cấp tỉnh (nếu tiếp tục lập nội dung này phải sửa đổi Luật Quy hoạch). Việc lập thêm quy hoạch, kế hoạch SDĐ cấp tỉnh sẽ trùng lắp nội dung công việc. Quy hoạch SDĐ cấp tỉnh không áp dụng nhiều trong thực tế. Dự thảo Luật cũng cần xem xét lại việc lập kế hoạch SDĐ cấp huyện hàng năm có mang lại hiệu quả hay không. Ông Ngà cho rằng, xét công tác quản lý nhà nước đất đai, việc lập quy hoạch này cần kinh phí 500 triệu đồng cho 1 huyện. Đối với Bình Thuận có 10 huyện, thị phải chi 5 tỷ đồng/năm công việc này. Việc triển khai kéo dài thời gian, từ đầu tháng 8 năm trước đến tháng 3 năm sau mới xong; kết quả thực hiện các loại đất tương đối thấp, trừ đất ở. Xét về thực hiện các quyền người SDĐ bị ảnh hưởng không ít do chậm phê duyệt kế hoạch SDĐ, các chỉ tiêu đất ở bị hạn chế nhiều.

dsc04236.jpg
Luật Đất đai sửa đổi sẽ góp phần đền bù phù hợp đất của người dân quy hoạch khu công nghiệp trong tỉnh.

Linh động bảng giá đất

Góp ý về nội dung giá đất, đại diện các phòng chuyên môn Sở TN & MT cho rằng: “Bảng giá đất quy định tại Điều 164 dự thảo luật. Bảng giá đất hiện hành đang áp dụng 5 năm. Thực tế địa phương trong 2 - 3 năm mới có điều chỉnh 1 lần. Do đó tại khoản 1 Điều 164 đề nghị Bảng giá đất được xây dựng 2 năm 1 lần để đảm bảo tính ổn định của Bảng giá đất, tiết kiệm kinh phí”. Tại khoản 3, Bảng giá đất được áp dụng cho các trường hợp: Tính tiền SDĐ khi Nhà nước công nhận quyền SDĐ ở của hộ gia đình, cá nhân; chuyển mục đích SDĐ của hộ gia đình, cá nhân; Tính tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; Tính giá khởi điểm đối với trường hợp đấu giá quyền SDĐ để giao đất, cho thuê đất. Đây là điểm mở cho việc tính thu tiền thuê đất cho các dự án thuê đất trả tiền hàng năm. Cùng đó, Điều 165 nêu giá đất cụ thể. Khoản 2 điều này quy định: UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ, công nhận quyền SDĐ, gia hạn SDĐ, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết, thu hồi đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.

Trong khi đó, Điều 189: Tách thửa đất, hợp thửa đất; tại điểm d, khoản 1 ghi: “Việc hợp các thửa đất phải bảo đảm có cùng mục đích SDĐ, cùng thời hạn SDĐ. Trường hợp các thửa đất khác nhau về mục đích SDĐ, thời hạn SDĐ thì phải thực hiện đồng thời với thủ tục chuyển mục đích SDĐ, điều chỉnh thời hạn SDĐ để thống nhất theo một mục đích, một thời hạn SDĐ theo quy định của pháp luật”. Ở đây kiến nghị bổ sung quy định việc điều chỉnh thời hạn SDĐ, ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh góp ý.

Dần hoàn chỉnh, đồng bộ

Trong khuôn khổ liên quan này, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Hữu Thông cho rằng, Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành qua hơn 8 năm thực hiện, luật đã phát huy tác dụng, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc khai thác nguồn lực về đất đai hợp lý, hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian qua, Luật Đất đai đã bộc lộ nhiều hạn chế bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như: quy hoạch SDĐ chưa đảm bảo tính đồng bộ, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa đảm bảo hài hòa lợi ích người dân. Chính vì vậy, giải pháp căn cơ là sửa đổi, hoàn thiện dự án Luật Đất đai để thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII). Ông Nguyễn Hữu Thông cảm ơn góp ý sâu sát của các đại biểu vào dự thảo luật, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp báo cáo Quốc hội khóa XV trước kỳ họp thứ 4. Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được xem xét tại 3 kỳ họp của Quốc hội, dự kiến thông qua vào tháng 10/2023.

THÁI KHOA


(0) Bình luận
Bài liên quan
Công ty Thủy điện Đại Ninh sản xuất kinh doanh điện an toàn, hiệu quả và đảm bảo mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”
Để chủ động kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trong trạng thái bình thường mới, đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia và SXKD điện đạt hiệu quả, tập thể CBCNV Công ty Thủy điện Đại Ninh (Công ty) quyết tâm thực hiện hoàn thành mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả” theo Chủ đề năm 2022 của EVN và xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm:
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, người dân