Siết rào cản kỹ thuật
Sản xuất thanh long đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của Bình Thuận. Hiện toàn tỉnh có 33.750 ha thanh long, với khoảng 30.000 hộ nông dân tham gia sản xuất, thu mua, sơ chế xuất khẩu mặt hàng này. Lâu nay, thanh long Bình Thuận chủ yếu được tiêu thụ qua thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, phía Trung Quốc đã kiểm soát mạnh vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu khai báo vùng trồng, cơ sở đóng gói, mã QR code trên bao bì xuất khẩu thanh long để truy xuất nguồn gốc. Do đó, công tác triển khai, tuyên truyền chứng nhận VietGAP đảm bảo an toàn thực phẩm trên thanh long trở nên cấp thiết và cần triển khai quyết liệt.
Theo ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, thời gian qua, quá trình thực hiện chương trình sản xuất thanh long VietGAP trong tỉnh khá tốt. Tuy nhiên, thực tế lâu nay, do nông dân chưa thấy rõ hiệu quả của VietGAP và chưa có doanh nghiệp chính thức yêu cầu hoặc mua sản phẩm theo VietGAP, nên vẫn còn nhiều hộ nông dân chưa nhiệt tình, tự giác trong thực hiện quy trình sản xuất. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, giá cả bấp bênh cũng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất thanh long an toàn.
Cần quyết tâm cao
Cách đây ít ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong đã chính thức phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong năm nay toàn tỉnh có 10.500 ha thanh long sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, chỉ tiêu phấn đấu là 11.000 ha. Ông Lê Tuấn Phong đề nghị Đảng ủy các cấp đưa chỉ tiêu sản xuất theo VietGAP vào nghị quyết của cấp ủy để tập trung chỉ đạo và xem đây là chỉ tiêu đánh giá, bình xét, thi đua khen thưởng cho tập thể, cá nhân cuối năm. Các địa phương phải xác định chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần kiên trì với quyết tâm cao để chỉ đạo thường xuyên nâng cao chất lượng tư vấn chứng nhận trong sản xuất. Qua đó, góp phần giúp người sản xuất thanh long VietGAP một cách thực chất và giữ vững thương hiệu thanh long Bình Thuận. Mục tiêu nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm thanh long Bình Thuận, bảo đảm an toàn thực phẩm, phục vụ cho yêu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Sản xuất thanh long VietGAP
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các tổ chức sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP cần tuyên truyền, hướng dẫn nông dân đăng ký tham gia và xây dựng tổ hợp tác (THT), nhóm liên kết, hợp tác xã (HTX) sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đúng quy định. Trên cơ sở diện tích đã phân bổ, tiến hành vận động, hướng dẫn giúp nông dân triển khai các hoạt động sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm sau này.
Đối với diện tích thanh long còn hiệu lực chứng nhận VietGAP, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các đơn vị chuyên môn và các địa phương tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất để duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Yêu cầu các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra nội bộ (ít nhất mỗi năm một lần) và lưu hồ sơ trong quá trình thực hiện.
Đối với diện tích thanh long đăng ký mới năm 2021, cần khảo sát, phân tích đánh giá các chỉ tiêu của mẫu đất, nước ở vùng sản xuất. Tổ chức thực hiện việc lấy mẫu đất, mẫu nước để phân tích, đánh giá nguy cơ ô nhiễm cho tất cả các diện tích đăng ký chứng nhận sản xuất theo yêu cầu VietGAP…
Bằng quyết tâm cao và sự đồng sức, đồng lòng của các cấp chuyên môn, chính quyền địa phương, tin rằng việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ đạt kết quả như mong đợi…Kiều Hằng