Theo dõi trên

Đức Bình tập trung phát triển đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

04/08/2016, 10:07

BT- Thí điểm các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện lao động, cây trồng, vật nuôi, qua đó từng bước nhân rộng những mô hình hiệu quả, hướng tới thoát nghèo bền vững cho hộ nghèo thôn 4… Đây là một trong những mục tiêu đề ra của xã Đức Bình, huyện Tánh Linh, nhằm góp phần phát triển đời sống đồng bào dân tộc trên địa bàn.

Chuyển biến mới

Thôn 4, xã Đức Bình là thôn đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Rai và K’ho, với 494 hộ/2.046 khẩu. Đồng bào ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp. Trong thời gian qua, đời sống của bà con thôn 4 tiếp tục có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao. Theo ông Nguyễn Thiêm- Bí thư Đảng ủy xã Đức Bình, đến nay hầu hết đồng bào đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, tập trung vào các loại vật nuôi như trâu, bò, heo, dê.

Đáng ghi nhận, bộ mặt nông thôn của xã Đức Bình nói chung và thôn 4 nói riêng đã có nhiều thay đổi rõ nét. Nổi rõ là đường giao thông nông thôn được nâng cấp và mở rộng, lưới điện quốc gia được đưa đến tận xóm. Hiện nay 100% hộ gia đình có điện sinh hoạt và có trên 95% dùng hệ thống nước sạch, hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng. Thôn có nhà Rông được xây dựng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của bà con trong thôn, xóm.  Mặt khác, số hộ nghèo đã giảm đáng kể, các chương trình y tế quốc gia được triển khai đến từng xóm và từng hộ gia đình. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường hàng năm đạt trên 95%, đời sống văn hóa tinh thần được quan tâm đúng mức… Vì vậy, lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số trong xã đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được nâng lên.

 Phát triển theo hướng bền vững

Cũng theo ông Nguyễn Thiêm, bên cạnh những đổi thay tích cực trong thời gian qua, hiện đời sống của nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, một số hộ dân thiếu đất sản xuất. Một bộ phận nhân dân vẫn còn sống theo phong tục tập quán lạc hậu; ý thức cho con em đến trường chưa được phát huy, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, sinh con thứ ba vẫn còn cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp…

Về nguyên nhân, Bí thư Đảng ủy xã Đức Bình cho hay, do xuất phát điểm về đời sống dân sinh, kinh tế - xã hội, một bộ phận nhân dân chưa xác định vai trò chủ thể của mình trong xóa đói, giảm nghèo, còn trông chờ ỷ lại Nhà nước…

Do đó, Đảng ủy xã Đức Bình đã đề ra chương trình hành động về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh - kinh tế xã hội ở thôn 4, giai đoạn đến năm 2020. Trong đó, mục tiêu của xã thời gian tới là phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải theo hướng bền vững, đạt hiệu quả cao. Đẩy mạnh đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu, gắn với thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới; ổn định và cải thiện tốt hơn đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số…

Để đạt được những chỉ tiêu đó, cần hạn chế việc cho thuê, sang nhượng đất đai trái pháp luật dẫn đến thiếu diện tích đất sản xuất, có nguy cơ xảy ra đói nghèo. Tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong đồng bào dân tộc thiểu số về chủ trương chống phá rừng làm rẫy. Thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước về quản lý và bảo vệ rừng. Tranh thủ tối đa nguồn vốn từ các chương trình quốc gia cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vốn thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, vốn xã hội hóa… để đẩy nhanh tiến độ đầu tư cho thôn 4, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng thôn văn hóa, gia đình văn hóa đi vào chiều sâu, đúng thực chất, bài trừ mê tín dị đoan, các tập tục lạc hậu về ma chay, cưới hỏi. Đồng thời phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo đồng bào dân tộc thiểu số…

K. Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Mang quà tết ra quần đảo Trường Sa
BTO-Chiều 26/12, tại thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa), các tàu đi thăm, động viên, chúc tết quân - dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa bắt đầu vươn khơi. Những tàu ấy không chỉ có hàng hóa, nhu yếu phẩm mà còn mang theo tình cảm, sự quan tâm, nghĩa tình của nhân dân cả nước hướng về quần đảo Trường Sa – vùng biển đảo thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đức Bình tập trung phát triển đời sống đồng bào dân tộc thiểu số