Theo dõi trên

Đừng để những tai nạn thương tâm xảy ra

05/01/2023, 04:40

Vụ bé trai 10 tuổi ở Đồng Tháp rơi xuống trụ bê tông sâu 35m, nhận được sự quan tâm đặc biệt từ người dân cả nước. Trước đó đã từng xảy ra rất nhiều vụ trẻ em gặp nạn rơi xuống hố sâu của các công trình xây dựng, có những trường hợp được giải cứu an toàn, bên cạnh đó cũng có những kết quả đau lòng.

Từ tai nạn này cho thấy công tác quản lý, giám sát khu vực thi công, công trường đang thi công còn lỏng lẻo, còn tồn tại nhiều rủi ro và bất cập, có dấu hiệu vi phạm các quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 về thực hiện các biện pháp an toàn lao động trong phạm vi công trình xây dựng đang thi công.

be-trai-roi-xuong-ho-4-377.jpg
Giải cứu bé trai 10 tuổi rơi xuống ống trụ bê tông sâu 35m. Ảnh internet

Như chúng ta đã biết, đi cùng sự phát triển kinh tế của đất nước là những ngành công nghiệp mới được ra đời, những thiết bị công nghệ hiện đại được sử dụng, những ứng dụng của tiến bộ khoa học kỹ thuật, chính vì những yếu tố này mà các nguy cơ về tai nạn trong lao động tăng cao. Vấn đề tai nạn lao động một lần nữa trở thành tiêu điểm của xã hội và mối lo của rất nhiều người lao động cũng như doanh nghiệp. Những năm gần đây, công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động đã đạt được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn tiềm ẩn một số hạn chế do công tác huấn luyện, đào tạo kỹ năng an toàn lao động chưa được quan tâm đúng mực ở cơ sở, đơn vị sản xuất, kinh doanh. Do đó người lao động vẫn chưa có ý thức cao trong việc giữ gìn an toàn cho mình và cộng đồng.

Nói cách khác, khi vấn đề an toàn và vệ sinh lao động được thực hiện hiệu quả là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm gánh nặng đối với xã hội. Đối với doanh nghiệp, bảo đảm an toàn cho người lao động sẽ giúp cắt giảm tối đa các chi phí do tai nạn gây ra. Không những vậy, xét về mặt vĩ mô, công tác an toàn vệ sinh lao động được thực hiện chặt chẽ, nghiêm ngặt, góp phần tạo được niềm tin và uy tín thương hiệu đối với người lao động cũng như công chúng cho doanh nghiệp. Khi các tai nạn lao động được giảm thiểu xuống mức thấp nhất thì người lao động luôn luôn yên tâm làm việc, từ đó chất lượng cuộc sống của người lao động được nâng cao. Phải khẳng định rằng, trong những năm qua các cấp ủy, chính quyền, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã có nhiều cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo, công tác quản lý của các cấp, ngành ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Thông qua công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện, đào tạo, tập huấn và công tác thanh tra, kiểm tra, nhận thức của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và người lao động về công tác an toàn lao động có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh những kết quả đạt được đó cũng còn một số hạn chế, yếu kém như: Nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng lao động chưa nêu cao trách nhiệm dẫn đến vi phạm các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, hạn chế về kiến thức, kỹ năng và thiếu chủ động trong phòng ngừa tai nạn lao động. Tình trạng mất an toàn lao động trong các doanh nghiệp, khu vực nông nghiệp, nông thôn, làng nghề vẫn còn xảy ra, trong đó có những vụ nghiêm trọng, gây tổn thất về người và tài sản, để lại hậu quả nặng nề, lâu dài cho người lao động và xã hội…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế về an toàn lao động, giảm tối đa những vụ việc thương tâm xảy ra, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về pháp luật bảo hộ lao động và chỉ đạo khảo sát thực trạng về tình hình an toàn lao động ở các doanh nghiệp để có kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp. Đồng thời, các ngành chức năng đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn lao động cho chủ sử dụng lao động, người lao động. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo hiểm lao động ở các doanh nghiệp. Thông tin kịp thời về các vụ tai nạn lao động, nguy cơ tai nạn lao động, có biện pháp phòng ngừa, xử lý mạnh tay những đơn vị vi phạm quy định Luật An toàn vệ sinh lao động và các quy định của pháp luật về an toàn lao động. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động và mở rộng tham gia của các đối tác xã hội khác với nhiều phương thức và mô hình linh hoạt để chia sẻ trách nhiệm xã hội trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách an toàn vệ sinh lao động nhằm hiện thực hóa các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động cho người lao động…

THANH QUANG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Cẩn trọng “tháng củ mật”
Tháng chạp - tháng cuối năm, theo cách gọi dân gian là “tháng củ mật”, đây là thời điểm bọn tội phạm trộm cắp, cướp giật lợi dụng người dân sơ hở, tất bật, mất cảnh giác, để “kiếm ăn”.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng để những tai nạn thương tâm xảy ra