Theo dõi trên

Đường Hồ Chí Minh - những dấu chân để lại

12/07/2019, 09:04

Kỳ 1:  Đường Hồ Chí Minh - mãi mãi là huyền thoại

 Lên Trường Sơn Đông

BT- Đường Trường Sơn xưa, đường Hồ Chí Minh nay, với nhiều người là biểu tượng thiêng liêng, huyền thoại. Con đường ấy có khi còn là đường Trường Sơn có tổng chiều dài  20.000 km, qua 3 nước Đông Dương: Việt Nam - Lào và Campuchia. Đã có đến 20.000 người, bao gồm bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông hy sinh khi mở đường, bảo vệ con đường; cũng như có đến 30.000 người bị thương, trước khi được tổng kết: đã đưa 1 triệu tấn vũ khí, hơn 2 triệu lượt cán bộ, bộ đội vào chiến trường. Vì vậy, với những người từng đi lại đường Trường Sơn nay là đường Hồ Chí Minh trong những năm chiến tranh, đặc biệt là bộ đội, đường là ấn tượng lâu bền, mong mỏi ngày trở lại, bởi ở đó trầm tích bao sự hy sinh, mất mát, sự sẻ chia đùm bọc của bao đồng chí, đồng đội trong những năm chiến tranh khốc liệt. Còn với người chưa qua chiến tranh, chưa từng đặt chân đến đường,  thì đó là  nơi tìm hiểu, lý giải… vì sao những người cách mạng thắng được Mỹ, khi mà trên con đường này xảy ra 2.500 trận đánh lớn nhỏ, với hàng ngàn tấn bom đạn trút xuống ở nhiều đoạn, nhiều nhánh đường(1)… Điều này giải thích vì sao tôi, một người trưởng thành sau chiến tranh, thường xuyên nghĩ về con đường, mong ước được đặt chân đến đó, dù chưa có điều kiện đi suốt. Mới đây, lần thứ hai, tôi quyết định đi đường Hồ Chí Minh. Khác với lần đầu là đi 30 km đường đèo từ Đại Lộc, quê cha lên ngã ba Thạnh Mỹ, đầu đường Trường Sơn Đông - một trong những tuyến thuộc đường Hồ Chí Minh. Lần này, tôi  từ Bình Thuận ra đi, theo hướng Đắk Lắk lên đường Trường Sơn Đông. Tháng 5,  Tây Nguyên có mưa. Rừng núi trở về với chiếc áo xanh, sau những tháng nắng nôi, khô khốc… Đường chạy ngoằn ngoèo giữa núi rừng, thỉnh thoảng hiện lên sắc vàng của phượng tây, màu đỏ của hoa Pơ lang và khi đến gần Đắk Lắk thỉnh thoảng xuất hiện  màu tím của hoa bằng lăng trồng ven đường. Và, thay vì dừng lại ở Đắk Lắk, tôi quyết định lên Ngọc Hồi, thị trấn phía Bắc của Kon Tum, cách TP. Ban Mê Thuột khoảng 300 km đường.

                
Một góc thị trấn Plei Kần.

 Đêm ở thị trấn ngã ba Đông Dương

Có một lý do rất riêng để tôi ở lại Ngọc Hồi. Đó là nơi tôi từng nghe nói đến trong những ngày là lính Sư đoàn 2, đánh Pôn Pốt bên Campuchia. Có những  tuần liền, chúng tôi lùng trong rừng Ratanakiri, một tỉnh miền Đông Bắc đất nước bạn, giáp huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Và rồi, trước khi về lại Việt Nam, tôi từng hành quân bộ đến sát ngã ba Đông Dương, trước khi xe cơ giới chở vòng về cửa khẩu Thanh An - Pleiku. Vì vậy, Ngọc Hồi là điểm đến duyên nợ. Ngọc Hồi có thị trấn Plei Kần. Thị trấn thành lập năm 1991, với khoảng 3.000 dân. Gần đây, dân số thị trấn lên khoảng 20.000 người, là đô thị loại 4, với  nhiều sự thay đổi về quy mô diện tích và hạ tầng cơ sở.  Plei Kần  còn được gọi thị trấn  ngã ba Đông Dương, với cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Thị trấn là điểm kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, từ Đông Bắc Thái Lan, Campuchia, các tỉnh  phía Nam của Lào với khu vực kinh tế miền Trung - Việt Nam.  Một điều dễ nhận thấy ở  thị trấn biên giới này là các con đường  gần như dốc. Dốc lên, dốc xuống và ngoằn ngoèo. Có những con đường mà khi đi trên nó, bạn nhận ra những hố sâu cạnh đó chưa kịp lấp bởi trước đó nó là đồi, là núi nhỏ, là vực sâu… Nhưng nếu bảo thị trấn còn nhiều thiếu thốn, chưa phát triển thì không phải. Gần như ở Plei Kần có đủ những thứ cần thiết của đời sống vật chất, ngay cả chuyện làm đẹp của chị em. Và nữa, tại thị trấn miền biên viễn này còn có cả khách sạn 4 sao, giá một đêm ở thấp nhất (dành cho phòng đơn) là 500.000 đồng. Buổi chiều, tôi dừng lại ở Plei Kần sau khi lái xe qua mấy trăm cây số trong ngày, xuyên qua Bắc Tây Nguyên là Pleiku, Kon Tum; tưởng đã nhận ra nét riêng của thị trấn miền núi  này là đường sá rất nhiều cây xanh và đồi dốc. Thế nhưng, chỉ đến buổi tối, nét riêng thị trấn  này mới thật sự hiện ra. Đó là có khá nhiều quán bán hàng ăn đêm. Thức ăn được giữ trong những chiếc lồng kính trong nhà, còn chủ quán và có thể là người phụ bán, gần như đều bắt ghế ngồi ngoài hiên, dưới mái che, đon  đả, mời chào khách. Đa phần là giọng Bắc. Dường như những người xứ Bắc cảm nhận: Plei Kần này sẽ ăn nên làm ra nên rời quê vào đây, làm ăn. Chính vì vậy, trên con đường Hoàng Thị Loan, rộng  khoảng  5m, tôi nhận ra rất nhiều món ăn xứ Bắc, giá cả dao động từ 15.000 - 20.000 đồng một phần. Và cũng chính trên con đường đó, sáng ra bạn có thể uống cà phê nguyên chất với sữa, giá 6.000 đồng/ly. Một chị áng chừng 50 tuổi, người đậm thấp, mặt phúc hậu,  bán bánh canh cá lóc, bảo: “Ở đây, tiếng là miền núi nhưng giá cả không đắt đỏ, bởi thu nhập của dân phần lớn dựa vào nghề nông. Vả lại, ngoài người Kinh mình tập trung trong thị trấn, còn đồng bào các sắc tộc, họ làm gì ra tiền nhiều mà hét giá cao? Buôn bán ở đây là lấy công làm lời! Cán bộ nhà nước nghỉ hưu, lương 6 triệu đồng/tháng, sống tốt ở xứ này. Đi lại không đắt lắm vì xe đường dài chạy suốt đêm qua đây. Lát nữa, khoảng 21 giờ, anh sẽ thấy xe từ Đà Nẵng lên, ghé lại đây bỏ khách, trước khi chạy về Kon Tum”. Người phụ nữ cho tôi biết thêm: Ở Plei Kần,  khuya  đến mấy, người ta cũng tìm được cái ăn, sau khi đã đánh thức những người chủ quán lơ mơ ngủ trên những chiếc ghế dài kê trên lối vào quán, bởi  an ninh trật tự ở đây khá tốt, chẳng mấy khi xảy ra cắp vặt.

                
 Đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn Đông    tại Ngọc Hồi.

H.T.T

(1): Mãi mãi một huyền thoại đường Trường Sơn, Tuổi  Trẻ, ngày 20/5/2019.

Kỳ 2: Nhớ anh tôi, nhà thơ Ngọc Anh và thăm  ngục Tố Hữu

Ký sự: Hà Thanh Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đường Hồ Chí Minh - những dấu chân để lại