Theo dõi trên

ECP – Khởi đầu cho khuôn khổ hợp tác mới ở châu Âu

06/10/2022, 09:57

Hôm nay (6/10), lãnh đạo hơn 40 quốc gia sẽ tập trung tại thủ đô Praha, Cộng hòa Séc để tham dự hội nghị Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC).

Nền tảng cho đối thoại và hợp tác chính trị ở châu Âu

Việc thành lập Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) nhằm chuẩn bị cho sự hội nhập của các ứng cử viên gia nhập EU. Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên được tổ chức nên diễn đàn lần này là bước đi đầu tiên cho những kế hoạch tiếp theo của EU trong bối cảnh những bất ổn an ninh, khủng hoảng về kinh tế - năng lượng do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra.

Mục đích hình thành nên cộng đồng này cũng được Tổng thống Pháp đề cập vào tháng 5/2022 và chính thức được trình bày tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu vào cuối tháng 6 vừa rồi trong nhiệm kỳ chủ tịch của mình. Do là một định dạng mới hoàn toàn nên trước mắt Cộng đồng này chưa hình thành cấu trúc cụ thể để thay thế cho bất kỳ tổ chức nào hiện có trong EU. Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là Cộng hòa Séc, quốc gia đang giữ vị trí Chủ tịch luân phiên EU, sẽ tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh EU một ngày sau Hội nghị của Cộng đồng chính trị châu Âu. Đây là bước đi quan trọng và cần thiết để tìm kiếm tương lai của cộng đồng này cũng như những định hướng chung cho các hoạt động tiếp theo của Liên minh châu Âu.

Bên cạnh đó, một điểm khác biệt đáng chú ý khác là với sự thành lập Cộng đồng chính trị châu Âu sẽ tạo một diễn đàn rộng lớn hơn có sự góp mặt của các quốc gia nằm ngoài Liên minh châu Âu (EU) nhưng cùng hướng tới mục đích chung là bảo vệ được các giá trị của châu Âu cũng như đẩy mạnh hơn nữa trong việc hợp tác ở các lĩnh vực như hợp tác chính trị, an ninh, hợp tác năng lượng, giao thông, đầu tư cơ sở hạ tầng hoặc việc đi lại của công dân giữa các quốc gia.

Trên thực tế, nhiều năm qua, Liên minh châu Âu vẫn chưa có sự đầu tư đủ mạnh vào các khu vực lân cận vì vậy Cộng đồng Chính trị châu Âu sẽ trở thành một diễn đàn mở cho toàn bộ các quốc gia trong khu vực, thúc đẩy đầu tư hợp tác và là nơi hoạch định chính sách, tăng cường kết nối, hợp tác chặt chẽ với các quốc gia trong châu Âu.

Những vấn đề trọng tâm được đề cập tại ECP

Việc thành lập Cộng đồng chính trị châu Âu với mục đích cung cấp nền tảng thúc đẩy đối thoại và hợp tác chính trị, trong đó bao gồm cả các quốc gia mong muốn được gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Trong thư mời các đại diện tham dự, Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu cũng cho biết, Hội nghị lần này sẽ không đưa ra tuyên bố chung mà mục tiêu là tạo ra một diễn đàn để các nước có thể chia sẻ quan điểm, tìm tiếng nói đồng thuận về các vấn đề nóng hiện nay.

Do đó, trước hết, mục đích chính của hội nghị Cộng đồng Chính trị châu Âu lần này là tiến hành một cuộc thảo luận chính trị về các vấn đề chiến lược liên quan tới lợi ích chung của châu Âu, trong đó trọng tâm sẽ là cuộc xung đột tại Ukraine và những ảnh hưởng chung đến khu vực. Bên cạnh đó, cộng đồng Chính trị Châu Âu (EPC) cũng sẽ thảo luận về tình hình an ninh và hòa bình trong khu vực, các giải pháp củng cố an ninh, ổn định chung của châu lục, thúc đẩy tìm kiếm các giải pháp giải quyết khủng hoảng năng lượng, các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu và tình hình kinh tế chung của châu Âu.

Ngoài ra, so với những khuôn khổ hợp tác hiện nay, nền tảng của Cộng đồng chính trị châu Âu vẫn còn một số điểm cần được nghiên cứu bổ sung và làm rõ trong thời gian tới như: cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động chính thức, các chức danh, thành phần lãnh đạo,... hay các vấn đề liên quan ngân sách đóng góp chung và các cách thức, định hướng để duy trì hoạt động của nhóm này…

Theo dự kiến, Cộng đồng Chính trị châu Âu sẽ tổ chức họp 2 lần/năm, tuy nhiên vấn đề này sẽ được bàn bạc cụ thể hơn tùy thuộc vào kết quả đạt được tại Hội nghị đầu tiên diễn ra vào ngày 6/10/2022. Giới phân tích cho rằng Cộng đồng này sẽ trở thành định dạng mới của riêng EU với mục tiêu làm đối trọng với các sáng kiến, định dạng đang tồn tại trong EU nhưng có sự can thiệp của các quốc gia bên ngoài, ví dụ như Sáng kiến 3 biển của Mỹ, Sáng kiến 16 +1 của Trung Quốc nay còn 14+1 (khuôn khổ hợp tác của các nước Trung - Ðông Âu và Trung Quốc).

Cơ hội thúc đẩy hợp tác sâu rộng với các quốc gia ngoài EU

Việc thành lập Cộng đồng chính trị châu Âu được coi là tiền đề trong việc chuẩn bị cho sự hội nhập của các ứng cử viên gia nhập EU cũng như ngăn chặn sự rút lui của các quốc gia thành viên như trường hợp Brexit. Tuy nhiên, đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh hiện tại phần nào cũng giảm bớt áp lực về thời gian đối với Liên minh châu Âu (EU) trong việc mở rộng số lượng thành viên và tạo cơ hội hội nhập cho các quốc gia có nguyện vọng gia nhập EU đặc biệt với các trường hợp như Ukraine, hay các quốc gia Balkan.

Do đó, có ý kiến tiến trình gia nhập khối đối với một số nước bị chậm lại là điều không thể tránh khỏi, nếu các quốc gia này chưa đảm bảo được đầy đủ các yêu cầu để trở thành một thành viên của EU.

Về phương diện quốc tế, với cán cân quyền lực, thể chế và các tổ chức đang thay đổi nhanh chóng do những tác động địa - chính trị giữa các quốc gia đã khiến cho vấn đề giành tầm ảnh hưởng ở EU trong khu vực đang trở thành yếu tố đặc biệt quan trọng, nhưng nó cũng đặt ra nhiều thách thức đối với EU trong việc quyết định nên hay không mở rộng EU vào thời điểm này.

Việc tập hợp các quốc gia gần nhau về mặt địa lý có cùng những thách thức địa chính trị và kinh tế cũng là cơ hội để các quốc gia phải đoàn kết tìm kiếm những giải pháp ứng phó phù hợp hơn trong bối cảnh hiện tại và có lợi cho các bên trên các lĩnh vực hợp tác đầu tư và giải quyết khủng hoảng.

Việc thành lập Cộng đồng này cũng nhằm xoa dịu tâm lý mệt mỏi và tạo mối quan hệ gần gũi hơn với các ứng viên hiện nay của EU cũng như thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng, liên vùng đối với các quốc gia ở Lục địa già. Thành lập Cộng đồng chính trị châu Âu cho thấy những quyết tâm của Liên minh châu Âu trong việc tăng cường sức ảnh hưởng của mình, xây dựng một diễn đàn để trao đổi chiến lược và hoạch định chính sách trên quy mô toàn lục địa đồng thời mở rộng tìm kiếm sự hợp tác giữa các quốc gia để cùng vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay và bảo vệ các giá trị cốt lõi của châu Âu./.

Hải Đăng - Thứ Năm, 09:34, 06/10/2022

VOV.VN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Mỹ có nguy cơ "xung đột trực tiếp" với Nga tại Ukraine
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Konstantin Vorontsov hôm 4/10 nói trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng việc Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí và thông tin tình báo cho Ukraine đang tiến dần tới "lằn ranh nguy hiểm" trực tiếp đối đầu với Nga.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ECP – Khởi đầu cho khuôn khổ hợp tác mới ở châu Âu