Brussels đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu vũ khí và đạn dược sang Nga vào tháng 7/2014 sau sự kiện Nga sáp nhập Bán đảo Crimea. Tuy nhiên, một điều khoản trong lệnh cấm này vẫn cho phép việc mua bán được thực hiện theo những hợp đồng đã ký trước tháng 8/2014.
Theo Reuters, các nhà sản xuất vũ khí của Pháp và Đức đã “tận dụng kẽ hở” này để kiếm hàng triệu USD. Trích dẫn dữ liệu từ Ủy ban châu Âu, Reuters cho biết, các nước thành viên EU đã bán cho Nga số vũ khí và đạn dược trị giá 39 triệu euro (42,3 triệu USD) vào năm 2021, tăng cao hơn so với mức 25 triệu euro vào năm 2020. Tuy vậy, chính phủ các nước EU đã đồng ý loại bỏ điều khoản nêu trên sau khi các quốc gia như Ba Lan và Litva đưa ra những lời chỉ trích.
Điều khoản miễn trừ đã không xuất hiện trong các tài liệu được công bố vào ngày 8/4, trong đó nêu chi tiết về gói trừng phạt thứ 5 của EU đối với Nga. Tuy vậy, theo người phát ngôn của phái đoàn đại diện của Litva tại EU, các nước thành viên vẫn có thể gửi vũ khí do Nga sản xuất tới Nga để sửa chữa trước khi chúng được trả lại cho khối.
Mỹ, EU và NATO đã chuyển giao nhiều hệ thống vũ khí do Liên Xô và Nga sản xuất để cho Ukraine trong những tuần gần đây. Slovakia gửi hệ thống phòng không S-300 tới Ukraine sau khi Mỹ cam kết sẽ bù đắp cho nước này bằng hệ thống tên lửa Patriot. Tuy nhiên, quân đội Nga hồi đầu tuần này cho biết đã phá hủy hệ thống S-300 nói trên trong một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình./.