Tuyên bố được Bắc Kinh đưa ra dưới dạng hỏi đáp, trong đó nêu rõ “Trung Quốc không hài lòng mạnh mẽ và kiên quyết phản đối” Tuyên bố chung của G7 về các nội dung liên quan đến nước này và đã “giao thiệp nghiêm khắc” với Nhật Bản - nước chủ nhà tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7 và các bên liên quan.
Hội nghị G7.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, G7 không quan tâm đến những “quan ngại nghiêm trọng” của nước này, bôi nhọ công kích và can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, trong đó có vấn đề Đài Loan.
Tuyên bố tái khẳng định, “giải quyết vấn đề Đài Loan là việc riêng của người Trung Quốc và phải do người Trung Quốc quyết định”, đồng thời cảnh báo “bất cứ ai cũng không nên đánh giá thấp quyết tâm mạnh mẽ, ý chí kiên định và khả năng to lớn của người dân Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.”
Về vấn đề “cưỡng bức kinh tế”, Bắc Kinh cho rằng việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương và “tách rời đứt chuỗi”, mới là “cưỡng bức” thực sự với việc chính trị hóa và vũ khí hóa quan hệ kinh tế thương mại, đồng thời cảnh báo G7 không nên trở thành “kẻ đồng lõa và tiếp tay” của Mỹ, hối thúc nhóm này “quay trở lại con đường đối thoại và hợp tác đúng đắn”.
Trước đó, trong Tuyên bố chung công bố ngày 20/5 sau Hội nghị thượng đỉnh tại Hiroshima, Nhật Bản, các lãnh đạo G7 đã bảy tỏ “quan ngại sâu sắc” và cảnh báo Trung Quốc về hoạt động quân sự hóa ở châu Á - Thái Bình Dương, ám chỉ Trung Quốc “cưỡng bức kinh tế”, cũng như đề cập đến vấn đề Đài Loan và nhiều vần đế khác liên quan .
Đây được đánh giá là những tuyên bố mạnh mẽ nhất của G7 nhằm vào Trung Quốc, kể từ khi nhóm này lần đầu tiên đề cập tới Bắc Kinh trong Tuyên bố chung tại hội nghị cách đây 2 năm ở Anh. Tuy nhiên, tuyên bố cũng khẳng định sẵn sàng xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc.