Niềm tin ở nhiều bệnh nhân
Phòng thuốc nam Phước Thiện tại số 2 Trần Quý Cáp (Đức Long, Phan Thiết) thoáng mát, rộng rãi, có bố trí ghế ngồi chờ, bàn khám bệnh… để phục vụ việc bắt mạch chẩn đoán bệnh, đến kê đơn thuốc, phát thuốc nam miễn phí cho nhiều người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, phòng thuốc còn có sân phơi thuốc, khu sao (rang) thuốc, có kho chứa dược liệu thoáng mát, sạch sẽ. Với 2 y sĩ và 4 y sinh, công việc khám, phát thuốc khoảng 30 - 60 bệnh nhân vào các buổi sáng.
Ông Trần Ngọc Tài (Mũi Né, Phan Thiết) chia sẻ: “Tôi bị đau cột sống, vai đến đây để điều trị và uống hơn 30 thang thuốc nam (hoàn toàn miễn phí), cảm thấy có dấu hiệu giảm đau dần. Cứ 10 ngày đến phòng thuốc 1 lần để khám và nhận 10 thang thuốc để sắc uống. Tương tự, bà Đinh Thị Kim Hoa (Hàm Thuận Bắc) bị đau xương khớp nhiều năm, được người quen giới thiệu về Phòng thuốc Phước Thiện để điều trị. Bà Hoa nói: “Mặc dù khám, cấp thuốc miễn phí, nhưng các lương y ở đây làm việc rất tận tâm, nhiệt tình. Có nhiều người nghèo, hoàn cảnh khó khăn đến đây điều trị”.
Lương y Trần Văn Thiện - Trưởng ban Y tế Phước Thiện - Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Phan Thiết cho biết: Phòng thuốc nam Phước Thiện thành lập 1958 tại căn nhà nhỏ ở đường Triệu Quang Phục ngày nay (Phan Thiết). Năm 1970, phòng thuốc được chuyển về Hội quán Hưng Bình Tự tại khu phố 6, Đức Long (nay là số 2, đường Trần Qúy Cáp) hoạt động đến nay. Hướng đến bệnh nhân nghèo bằng việc khám chữa bệnh miễn phí. Điều này giúp đỡ người dân giảm bớt khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Tùy theo loại bệnh, nơi ở xa hay gần, y sĩ sẽ điều chỉnh số lượng thuốc sao cho phù hợp với từng bệnh nhân.
Với tinh thần tận tình chăm sóc người bệnh và kinh nghiệm của lương y, Phòng thuốc Phước Thiện đã trở thành nơi đặt niềm tin của rất nhiều người bệnh. Năm 2022, phòng thuốc khám 11.078 lượt bệnh nhân, cấp phát 110.780 thang thuốc, góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Làm từ cái tâm
Phòng thuốc Phước Thiện sử dụng 100% thuốc nam, nguồn dược liệu được khai thác tại địa phương. Một số dược liệu khác như đỗ trọng, hà thủ ô, ba kích… phải mua ở nơi khác (nhờ vào sự hỗ trợ của mạnh thường quân, nhà hảo tâm đóng góp để mua dược liệu này). Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn dược liệu ở địa phương có phần nào khan hiếm, nên cũng khó khăn trong việc tìm cây thuốc tại địa phương. Đó là chia sẻ của lương y Trần Văn Thiện.
Một điểm chung ở phòng thuốc này là các lương y, y sinh, người đi tìm cây thuốc, phơi thuốc đều làm việc từ cái tâm, không lương, không có bất cứ sự hỗ trợ nào, nhưng họ vẫn làm việc tận tâm giúp đỡ người bệnh một cách chu đáo nhất. Chẳng hạn, bà Trần Thị Lâm làm ở phòng thuốc từ năm 19 tuổi đến nay gần 50 tuổi. Mỗi buổi sáng, bà Lâm hốt thuốc theo đơn phân thành từng thang, đóng gói để cấp cho bệnh nhân; chiều mang thuốc đã phơi khô vào kho bảo quản, còn công việc sao (rang) thuốc được làm vào cuối tuần.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Bông (71 tuổi) cùng chồng là ông Lê Văn Lợi (74 tuổi) hàng ngày đến phòng thuốc để phụ bào, cắt, phơi dược liệu. Sau đó, 2 vợ chồng bà vận động cùng các anh chị khác đến Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam… đi tìm cây thuốc như tơ hồng, mọi lựu, quế, trung quân, cây chó đẻ, cỏ mực, dừa cạn… Bà Bông cho biết: “Thời gian đầu, chúng tôi chưa nhận biết nhiều về cây thuốc, phải học và làm nhiều năm, đến nay thì nhớ và nhận biết nhiều loại cây thuốc. Cả 2 vợ chồng tôi tự nguyện góp phần nhỏ công sức vào việc giúp người nghèo chữa bệnh. Về chuyện cơm nước hàng ngày, có các con tôi lo rồi, không có gì phải suy nghĩ!”.
Có thể nói rằng, hoạt động khám bệnh, hốt thuốc miễn phí cho người nghèo ở Phòng thuốc nam Phước Thiện thể hiện sự đồng cảm, tận tâm chăm lo sức khỏe cho bệnh nhân nghèo.