Theo dõi trên

Gần 700 thanh niên xuất ngũ sẽ được đào tạo nghề

12/07/2023, 05:28

Vừa qua, Báo Bình Thuận nhận được phản ánh của bạn đọc Nguyễn Ngọc H., bộ đội khóa 2021 - 2023 trực thuộc huyện Hàm Tân về vấn đề chậm trễ giải quyết cho bộ đội học nghề (khóa 2021 - 2023).

Theo bạn đọc Nguyễn Ngọc H.: “Bộ đội Bình Thuận nói chung và bộ đội Hàm Tân nói riêng đi lính từ tháng 3/2021 đến tháng 1/2023, sau khi xuất ngũ thì được một số tiền và một tấm bằng nghề. Với bao hy vọng, hoài bão là sẽ học một nghề ổn định, sau đó có một công việc ổn định phục vụ nhu cầu cho bản thân và xã hội, xây dựng và làm những điều có ích cho đất nước. Khi được đưa về Doanh trại quân đội ở Tân Hà - Hàm Tân để làm lễ ra quân, chúng tôi được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Quyết Thắng giới thiệu là trong tháng 2/2023 đến giữa tháng 4/2023 sẽ giải quyết và cho chúng tôi học nghề nên đã nộp bằng và chờ học. Nhưng qua thời gian, đến bây giờ là cuối tháng 6/2023 vẫn chưa được giải quyết và làm ảnh hưởng đến lựa chọn công việc của chúng tôi. Một số phải chấp nhận bỏ đi bằng nghề để đến nơi đất khách tìm việc mưu sinh do không biết khi nào được học, trong khi “Tấm bằng chỉ có thời hạn 1 năm”. Khi được hỏi thì Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Quyết Thắng nêu ra lý do là: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chưa giải ngân kinh phí nên chưa thể dạy".

351121676_816963906151755_6653210301993411337_n-2.jpeg

Qua làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, lãnh đạo sở khẳng định nội dung trả lời cho thanh niên xuất ngũ của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Quyết Thắng là chưa chính xác với tình hình thực tế. Lý giải, lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Để thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên xuất ngũ, thì phải xây dựng đơn giá dịch vụ đào tạo làm cơ sở đặt hàng cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ về quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Trong năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã hợp đồng với đơn vị tư vấn giá để xây dựng đơn giá cho 26 nghề. Đến nay, sở phối hợp với Sở Tài chính trình đơn giá 15 nghề và UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1028/QĐ-UBND ngày 2/6/2023 về việc phê duyệt đơn giá dịch vụ đào tạo trình độ sơ cấp áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; 11 nghề còn lại (trong đó có nghề lái xe ô tô các hạng) đang tiếp tục thực hiện, dự kiến trình trong tháng 7/2023.

Qua báo cáo của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Quyết Thắng tại Công văn số 443/Đk-GDNNQT ngày 10/6/2023 về việc đăng ký đào tạo nghề cho thanh niên xuất ngũ năm 2023, thì tổng số thanh niên xuất ngũ có nhu cầu học nghề trong năm 2023 là 697 người. Trong 4 nghề thanh niên xuất ngũ đăng ký học năm 2023 thì đã có đơn giá của 2 nghề là gia công lắp ráp kết cấu thép; sửa chữa bảo trì tủ lạnh và điều hòa nhiệt độ. Nếu thanh niên xuất ngũ đăng ký học 2 nghề này thì Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Quyết Thắng bảo đảm sẽ có việc làm ngay sau khi kết thúc khóa học.

Cho nên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Quyết Thắng đã tư vấn cho số thanh niên xuất ngũ đăng ký học nghề lái xe ô tô chuyển sang học 2 nghề đã có đơn giá nhưng số thanh niên xuất ngũ không thống nhất. Do vậy, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chưa thể đặt hàng đào tạo với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Quyết Thắng. Trong thời gian tới, sau khi UBND tỉnh phê duyệt đơn giá của 11 nghề, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ triển khai tổ chức đào tạo nghề cho thanh niên xuất ngũ.

K.ANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Cử tri kiến nghị cần có định hướng trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên
Ngày 6/5, ông Nguyễn Hữu Thông - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận đã có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề với đoàn viên thanh niên trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gần 700 thanh niên xuất ngũ sẽ được đào tạo nghề