Theo dõi trên

Gắn kết di tích lịch sử với du lịch tìm hiểu

26/04/2023, 05:44

Những tháng qua, vào các ngày cuối tuần, nhiều đoàn khách trong tỉnh đã đến tham quan, tìm hiểu Khu Di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (Khu Di tích Sa Lôn) nằm trên rừng núi Sa Lôn thuộc xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc. Địa chỉ về nguồn này vừa là nơi cho thế hệ trẻ tìm hiểu lịch sử cách mạng hào hùng của quân, dân Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ khốc liệt.

Đã có các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh tổ chức cho nhân viên tham quan “địa chỉ đỏ”; một số trường học tạo điều kiện để học sinh về nguồn tìm hiểu lịch sử cách mạng địa phương.

Di tích lịch sử hào hùng

Từ thành phố Phan Thiết theo đường bộ lên Khu Di tích Sa Lôn hơn 60 km, theo quốc lộ 28 và đường tỉnh ĐT. 714 lên xã miền núi Đông Giang của khu căn cứ kháng chiến này. Khoảng cách không xa để về nguồn, ngắm vẻ đẹp rừng núi đại ngàn, hoang sơ, nhiều cây cổ thụ đã được nhiều đoàn khách, nhóm bạn trẻ chọn lựa vào dịp cuối tuần. Chị Nguyễn Thị Hằng, nhân viên một công ty kinh doanh, buôn bán mô tô, xe máy ở TP. Phan Thiết cho biết: “Sau dịp khánh thành Khu Di tích Sa Lôn không lâu, công ty đã cho quản lý, nhân viên tham quan địa điểm lịch sử này. Có lên tới đây, em mới thấy được khung cảnh phục dựng của một thời chiến tranh ác liệt như hội trường, lán trại, chòi nghỉ chân, hầm hào, bếp Hoàng Cầm… (Trước đó em chỉ hình dung qua sách vở, phim ảnh). Nhóm bạn trong công ty mệt nhoài người đã cố gắng chinh phục hơn 700 bậc tam cấp, lên tận đỉnh núi để tận mắt thấy toàn bộ hiện vật lịch sử, vừa khám phá rừng núi Sa Lôn bạt ngàn, trải rộng. Chuyến đi về trong ngày nhưng thật ý nghĩa cho những bạn trẻ trong đoàn”. “Trong dịp về nguồn như thế này, có điều kiện, chúng tôi sẽ tham quan các khu du lịch sinh thái ở vùng cao huyện Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh; bởi các điểm tham quan ở đây không mấy xa, giao thông thuận tiện”, chị Hằng chia sẻ thêm.

Còn một số nhóm bạn khác, họ kết hợp tham quan Khu Sa Lôn cùng các điểm du lịch sinh thái ở xã vùng cao Đa Mi liền kề, hay theo quốc lộ (QL) 55 lên ngoại ô thành phố Bảo Lộc ngắm nhà sàn bằng gỗ ở giữa đồi chè trải rộng, lộng gió để chụp ảnh.

img_2984.jpg
 Khách tham quan nơi làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ

Điểm kết nối du lịch

Khu Di tích Sa Lôn không quá xa QL 55 đi qua huyện Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, điều kiện thuận lợi kết nối các tour du lịch trên cung đường từ Bình Thuận lên Lâm Đồng. Khi tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ khánh thành vào dịp lễ 30/4 tới đây, có điểm giao với QL 55 tại xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, như huyết mạch mở rộng. Bởi từ đây nối lên các xã miền núi Đồng Kho, La Ngâu (Tánh Linh), xã vùng cao La Dạ, Đa Mi (Hàm Thuận Bắc), đi qua địa phận tỉnh Lâm Đồng, thông ra QL 20 nối TP. Bảo Lộc, hay ngược lên thành phố Đà Lạt. Cung đường có vẻ đẹp hoang sơ với những khúc quanh được tô điểm bên đường, những vườn đồi chè, cà phê, cây ăn trái xanh ngát cùng lòng hồ Hàm Thuận - Đa Mi trong xanh. Ở những đoạn này QL 55 kết cấu theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi; mở rộng mặt đường 7m, nơi qua thị tứ rộng 12m, đảm bảo cho các loại phương tiện giao thông tải trọng trục thiết kế 10 - 12 tấn chở khách du lịch qua lại.

img_7764.jpg
 Đoàn khách một công ty ở TP Phan Thiết chụp ảnh lưu niệm Khu Di tích Sa Lôn

Dịp 30/4 tới, không ít bạn trẻ ở Hàm Tân, thị xã La Gi dự định tour du lịch tham quan Khu Di tích Sa Lôn cùng vài điểm sinh thái khác trong khu vực, rồi lên Đà Lạt, qua QL 55. Một số người quen ở TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, họ sẽ theo tuyến cao tốc rẽ qua QL 55 tham quan di tích lịch sử cùng cảnh vật thiên nhiên hoang sơ, lãng mạn ở đây. Các điểm tham quan di tích lịch sử, khu du lịch sinh thái ở 2 huyện: Hàm Thuận Bắc nối liền Tánh Linh lên Lâm Đồng, là tour mới cho các đơn vị du lịch khai thác.

dsc02822.jpg
 Vòng cung QL 55 từ rừng núi Tánh Linh lên Hàm Thuận Bắc, kết nối các điểm tham quan, du lịch

THÁI KHOA


(0) Bình luận
Bài liên quan
Màu xanh trên đảo đá
Tháng 4, gió từ đại dương thổi vào lồng lộng, hơi nóng từ bãi đá bốc lên hừng hực, nóng rát cả mặt, thế nhưng khi bước vào “rừng sứ” trên đảo Kê Gà – Tân Thành nghỉ chân thì không khí mát rượi. Ngồi ngắm rừng cây xanh trên đảo tôi cứ suy nghĩ mãi “trên đảo toàn là đá trắng, đá đen. Nơi không có đá thì đất sỏi đỏ, vậy mà cây trên đảo xanh um như rừng Tà Cú”.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gắn kết di tích lịch sử với du lịch tìm hiểu