Theo dõi trên

"Gập ghềnh" vùng đất giáp ranh

20/02/2023, 05:38

“Đường sá gập ghềnh lầy lội, chúng tôi luôn ước có được những con đường nhựa sạch đẹp để thuận lợi đi lại”, người dân sống ở vùng giáp ranh của xã Thắng Hải (Hàm Tân) chia sẻ những nhọc nhằn về cơ sở hạ tầng hiện nay.

123456

Gian nan đường đến trường

Tuyến đường trọng điểm từ trung tâm xã vào dự án 300 ha, 400 ha dài hơn 28 km kết nối với đường 331 giáp ranh tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phục vụ việc đi lại cho người dân thôn Suối Bang, Suối Tứ, xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân ra Quốc lộ 55, trong tình trạng gập ghềnh, hư hỏng nghiêm trọng.

"Ổ voi" chằng chịt, lầy lội mùa mưa, bụi bặm mùa nắng, chỉ máy cày, máy kéo, xe tải mới có thể dễ dàng đi. Tôi thầm cảm phục người dân nơi đây, họ sống với chủ yếu đi lại bằng phương tiện xe hai bánh trong nhiều thập kỷ qua. “Chị là nhà báo hả, giúp chúng tôi với. Đường sá ở đây trời mưa là ngập không đi nổi, học sinh đi học té lên, té xuống”, bà Nguyễn Thị Lan, người thôn Hà Lãng đang trên đường vào rẫy nhà mình, giãi bày nỗi khổ về đường đi khi thấy tôi ghi hình.

Hà Lãng là 1 trong 5 thôn của xã Thắng Hải nằm dọc theo quốc lộ 55, người dân trong thôn, phần lớn có đất rẫy trong khu dự án 300 ha, 400 ha. Họ sống như 1 cảnh 2 quê khi ở một nơi, sản xuất một nẻo, nông sản làm ra khó bán, bị thương lái ép giá vì đường đi lại khó khăn. Nhưng nỗi khổ ấy vẫn không nhọc nhằn bằng người dân thôn Suối Bang, Suối Tứ nằm trong khu dự án, cách Hà Lãng và trung tâm xã hơn 10 km. Nhất là những gia đình có con nhỏ đang tuổi ra lớp như gia đình bà Lê Thị Thu Thanh.

z3916069652121_ce9e5cac0d240f49597e4a4b51ba40d4.jpg
Học sinh đi học té ngã thường xuyên.

Mùa mưa cuối năm qua, con gái của bà Thanh là Trần Thị Kiều Xuân, học Trường THPT Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ôm cặp sách dính đầy bùn đất trở về nhà trong cảnh mếu máo. “Cháu đi học bị té xe nhiều lần, nhất là mùa mưa. Mỗi lần té như vậy phải xin cô cho nghỉ học, vì nhà cách trường 20 km. Sáng nào cháu cũng dậy sớm tự đi học, mùa nắng tôi không lo bằng mùa mưa, nhà xa trường, đường khó đi, nghĩ mà thương con”, bà Thanh, người mẹ 2 con buồn bã nói về cuộc sống của mình.

Toàn xã Thắng Hải có một trường THCS, một trường tiểu học và 1 phân hiệu học ghép ở Suối Bang. Thôn Suối Bang có 190 hộ/703 khẩu, trong đó khoảng 80 trẻ ra lớp từ mẫu giáo cho đến THCS và chưa kể học sinh THPT. Phần lớn gia đình ở đây cho con em qua huyện Xuyên Mộc học. Theo họ, các em học một lèo từ cấp I đến cấp III quen thầy, quen bạn tiện lợi hơn là học ở trong xã rồi lại chuyển về lại, hơn nữa đường sá đi lại cũng dễ dàng hơn. “Đa phần các gia đình cho con qua Xuyên Mộc vì đường đi thuận tiện, chỉ khó đi đoạn đường từ nhà đến đường 331 giáp ranh, còn lại qua bên tỉnh bạn đường láng nhựa dễ đi”, ông Trần Văn Luyến, Trưởng thôn Suối Bang than phiền về cơ ở hạ tầng ở đây khi chia sẻ việc học hành của con em trong thôn.

Ngoài Suối Bang thì không ít gia đình ở những thôn khác trong xã có điều kiện cũng cho con em mình qua Bưng Riềng học. Số còn lại học tại các trường trong xã và lên cấp III thì học ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, đóng trên địa bàn xã Tân Thắng phục vụ cho con em 3 xã Sơn Mỹ, Tân Thắng và Thắng Hải. “Điều kiện học tập nói chung của con em trong xã, nhất là các thôn vùng sâu, vùng xa rất khó khăn, nhiều em học đến THCS có tư tưởng nghỉ học giữa chừng. Các ban, ngành, đoàn thể cũng như địa phương vận động ra lớp, nhưng không bền vững vì đường sá khó đi…”, Phó Chủ tịch UBND xã Thắng Hải - Mai Văn Phúc trăn trở.

img_1826.jpg

Mong ước

Tôi thả lỏng người đi trên tuyến đường 331 giữa nắng gió nóng bỏng như hắt vào mặt. Tuyến đường dài chừng 5 km có 3 cây cầu nhỏ nối Suối Bang, Suối Tứ với xã Bình Châu, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc như tạo thành vùng đất liền mạch. Người dân 2 bên vẫn thường qua lại trên những cây cầu này giao thương hàng hóa, chia sẻ những vui buồn cuộc sống hàng ngày.

Nơi chúng tôi đứng là một trong những cây cầu dài khoảng 29 m ở tổ 1, thôn Suối Bang đang bị sụt lún rạn nứt đoạn ở đầu mố trụ cầu. Bước thêm vài bước qua khỏi cây cầu là đất Bình Châu, với đường sá, nhà cửa khang trang xanh, sạch, đẹp. “Trước kia khu đất này thuộc Bình Thuận, năm 2006 sau khi xác định lại địa giới, thì nó thuộc về Bà Rịa – Vũng Tàu. Từ khi trở thành đất của tỉnh bạn, thì cơ sở hạ tầng, đường sá được đầu tư khang trang hơn”, ông Nguyễn Văn Công, người dân ấp Bình Thắng, xã Bình Châu nói.

12345

Cả vùng đất này và xã Thắng Hải có dấu tích đáng nhớ. Năm 2006 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1571/QĐ-TTg về việc xác định tuyến địa giới hành chính giữa tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo quyết định thì một phần đất của Bình Thuận quản lý sẽ thuộc về tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và đương nhiên người dân sống trên phần đất ấy cũng thuộc công dân Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhiều người dân gốc Bình Thuận từ những thập niên 1980 – 1990 của thế kỷ trước hiện vẫn còn sống làm ăn trên phần đất ở các ấp Bình Thắng, Phú Lâm, giáp với thôn Suối Bang, Suối Tứ, Hà Lãng của xã Thắng Hải.

Việc một dải đất gắn liền, cùng với một cộng đồng dân cư gắn kết trước đây, sau đó tách ra, nhưng vì do điều kiện kinh tế 2 tỉnh khác nhau, nên việc đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ cũng là điều dễ hiểu. Do vậy người dân vùng giáp ranh phía Bình Thuận mong muốn địa phương quan tâm hỗ trợ, xây dựng hạ tầng đường sá để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn cũng là điều chính đáng.

img_1900.jpg

Chia sẻ về mong muốn của người dân vùng giáp ranh, ông Lê Đức, Chủ tịch UBND xã Thắng Hải trăn trở: Địa phương cũng đã kiến nghị nhiều lần với các cấp, nhưng được biết do nguồn kinh phí còn khó khăn nên chưa thể sửa chữa, nâng cấp, làm mới các tuyến đường trọng điểm trong xã, dù Thắng Hải về đích nông thôn mới từ năm 2015. Cho đến nay bê tông hóa khoảng hơn 40%, số còn lại cùng với các tuyến đường chính dẫn vào các dự án thuộc cấp huyện, tỉnh đầu tư chưa bê tông, nhựa hóa nên cơ sở hạ tầng ở đây còn hạn chế. Những năm qua, UBND huyện đã kiến nghị với UBND tỉnh về khó khăn này, nhưng cho đến nay vẫn còn vướng nhiều thủ tục pháp lý có liên quan.

Ông Dương Văn Bình - Trưởng Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Hàm Tân, người hiểu nỗi khổ về đường giao thông của người dân Thắng Hải chia sẻ, huyện rất quan tâm đến hệ thống giao thông của xã Thắng Hải, hiện địa phương đã và đang phối hợp với các cơ quan liên quan của tỉnh đẩy nhanh tiến độ nâng cấp cũng như sửa chữa các tuyến đường trọng điểm. Trước đó, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã có báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư nâng cấp đường vào dự án Khu 300 ha, 400 ha, xã Thắng Hải gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, với kinh phí hơn 31 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tập trung của tỉnh trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Tuy nhiên, UBND tỉnh chưa thống nhất với lý do không còn phù hợp với quy hoạch và hiện đang lập lại quy hoạch triển khai nâng cấp cơ sở hạ tầng ở đây...

Rời vùng đất giáp ranh và chia tay những con người sống cuối cùng địa bàn phía nam của tỉnh, trong một buổi trưa nắng gắt, trên con đường bùn đất. Tôi hy vọng trong một ngày không xa, những trăn trở, mong muốn của người dân nơi đây sẽ sớm thành hiện thực, để cuộc sống của họ gặp nhiều thuận lợi hơn.

PHÓNG SỰ: NINH CHINH


(3) Bình luận
Bài liên quan
Thắng Hải:
 Trao nhà tình thương cho hộ nghèo
BTO- Xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân vừa trao căn nhà tình thương cho hộ ông Nguyễn Công Minh, thường trú tại thôn Suối Bang.
Nổi bật
Hiểu đúng và thực hiện đúng hai từ “dân chủ”
Dân chủ được hiểu là mọi lợi ích về vật chất và tinh thần mà Đảng và Nhà nước ta đem lại phải phục vụ cuộc sống của nhân dân. Dân chủ còn được thể hiện trong quyền hạn của nhân dân, dân là chủ và thực hiện dân chủ là cần thiết, qua đó góp phần thúc đẩy cho sự phát triển… Song không vì lợi dụng hai từ “dân chủ” để áp đặt những mục đích làm phương hại lợi ích quốc gia, tổn hại đến mục tiêu phát triển của đất nước.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
"Gập ghềnh" vùng đất giáp ranh