Theo dõi trên

Gặp lại Trung đoàn trưởng Trung đoàn 812

15/12/2023, 05:36

Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/ 2023). Chúng tôi về thăm lại những con người đã gắn bó một thời với sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

Đó là Đại tá Văn Minh Trường, sinh ra và lớn lên ở thôn 5, xã Hàm Liêm, hiện sinh sống tại thôn Đại Thiện, xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, năm nay ông đã 87 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng.

chu-truong.jpg
Đại tá Trung đoàn trưởng Trung đoàn Bộ binh 812 QK.6 Văn Minh Trường.

Gặp ông trong căn nhà đơn sơ, gọn gàng thoáng mát, với mảnh vườn nho nhỏ sâu hút trong con hẻm của một vùng quê yên tĩnh. Bên tách trà bốc khói nghi ngút, ông tâm sự: “Đất nước ta được thống nhất toàn vẹn như ngày nay, đã có biết bao người lính hy sinh, vượt qua gian khổ để giành lại nền độc lập tự do cho Tổ quốc. Công lao này của Đảng, của quân và dân ta”. Thỉnh thoảng lại dừng, nhấp ngụm trà, Đại tá Văn Minh Trường, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Bộ binh 812, đơn vị chủ lực, chiến lược của cực Nam Trung bộ (Quân khu 6 cũ) kể tiếp về những trận đánh, kỷ niệm về đồng chí, đồng đội một thời để nhớ làm mọi người xúc động.

Ông đã trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 812, chiến đấu giải phóng 4/6 tỉnh trực thuộc Quân khu 6, gồm Bình Thuận, Bình Tuy, Lâm Đồng, Tuyên Đức. Phối hợp quân chủ lực của Bộ, Quân khu 5 và lực lượng địa phương giải phóng hai tỉnh Quảng Đức và Ninh Thuận.

Trên cơ sở phân tích chiến trường một cách đúng đắn, khoa học. Trung ương hạ quyết tâm động viên sự nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, trong năm 1975-1976 khi có thời cơ lịch sử đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 lập tức tập trung lực lượng giải phóng miền Nam.

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, Nam Tây Nguyên được chọn là chiến trường chính, trong đó Buôn Mê Thuột trận mở màn then chốt.

Để phối hợp với chiến trường chính, Bộ Tư lệnh Quân khu 6 hạ quyết tâm sử dụng Trung đoàn 812 và Tiểu đoàn Đặc công 200C cùng lực lượng vũ trang tỉnh Bình Tuy đánh chiếm chi khu Hoài Đức trong thời gian ngắn nhất, phát triển về hướng Nam Tây Nguyên.

Quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, trung đoàn tập trung chuẩn bị lực lượng, ra nghị quyết hành động. Ban Chỉ huy Trung đoàn 812 lúc này có sự thay đổi, đồng chí Văn Minh Trường, Tỉnh đội phó tỉnh Bình Thuận về làm Trung đoàn trưởng thay đồng chí Phạm Ty về Quân khu.

Vào 23h ngày 16/3/1975, cả ba lực lượng gồm Trung đoàn 812; Tiểu đoàn Đặc công 200C, Đại đội 88 tỉnh Bình Tuy cùng nổ súng. Sau 3 ngày đêm chiến đấu ác liệt ta đã phá hủy hệ thống kho đạn của địch; 2h40 đêm ngày 20/3 pháo của trung đoàn tấp nập bắn vào chi khu; 4 h 43 Tiểu đoàn 200C vượt cửa ngõ phía Tây chiếm đầu cầu Nín Thở, C3 Tiểu đoàn 840 đánh chiếm cửa Bắc, địch chống trả quyết liệt. Đúng 6g40 ngày 20/3/1975, cờ mặt trận tung bay trên nóc nhà khu tiếp vận thông tin của chi khu Hoài Đức. Ngày 22/3 ta làm chủ Tánh Linh mở đường cho quân ta đánh xuống đồng bằng, tiến ra biển.

Khí thế tiến công như vũ bão, trung đoàn dưới sự chỉ huy Trung đoàn trưởng Văn Minh Trường, quân ta đánh chiếm Đức Trọng; Đà Lạt trong 2 ngày (2 - 3/4/1975). Ngay sau đó nhận lệnh của trên Trung đoàn cử Tiểu đoàn 186 ở lại tiếp quản Đà Lạt còn lại tiến về giải phóng Bình Thuận cùng Tiểu đoàn 200C tiêu diệt chi khu Thiện Giáo.

21h ngày 8/4/1975, quận lỵ Ma Lâm; chi khu Thiện Giáo lá chắn phía Bắc thị xã Phan Thiết bị tiêu diệt; không cho địch quay trở lại ta đánh chiếm Sa Ra, Tùy Hòa, thị trấn Phú Long, giao Tiểu đoàn 15 trấn giữ bằng được cầu Phú Long. Địch phản công hòng chiếm lại cầu Phú Long, nhưng hỏa lực của ta gồm pháo 105 ly; H12; DKZ áp chế toàn bộ khu vực trong đó có sân bay Căng PsePic.

Được tin, ngày 16/4/1975 quân ta giải phóng Ninh Thuận, 13h ngày 18/4 đồng chí Văn Minh Trường, Trung đoàn trưởng; đồng chí Vũ Ngọc Đài, Phó chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy giải phóng Bình Thuận liên lạc, báo cáo kế hoạch giải phóng Phan Thiết với cánh quân Duyên Hải (Quân đoàn 2). Trong ngày ta đánh chiếm Tà Zôn; Lầu Ông Hoàng; sân bay Phan Thiết, vượt cầu Phú Long theo QL1A vào giải phóng Phan Thiết (3h ngày 19/4/1975). Giải phóng xong đất liền, quân ta phối hợp Đoàn 382 tiến ra giải phóng đảo Cù Lao Thu (nay là đảo Phú Quý), phần đất cuối cùng của miền cực Nam Trung bộ.

Suốt 43 ngày đêm (16/3 - 27/4/1975), Trung đoàn Bộ binh 812 Quân khu 6 đã nỗ lực vượt bậc phối hợp với các đơn vị bạn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn phần đất cực Nam Trung bộ góp phần cùng cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 12/9/1975 Trung đoàn 812 vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ông cười tươi. Xứng đáng với 12 chữ vàng lịch sử “Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang” - Đại tá Văn Minh Trường giọng nói cứ nghẹn dần, hình ảnh ấy như vẫn vẹn nguyên.

DANH LƯ


(5) Bình luận
Bài liên quan
Nói nghe nè!
Lắng nghe lời ăn, tiếng nói của bà con quanh mình, thỉnh thoảng chúng ta nghe được cụm từ:“Nói nghe nè!”. Đó là một cách để người nói dẫn người nghe vào một thông tin, một vấn đề nào đó.
Đọc tiếp
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gặp lại Trung đoàn trưởng Trung đoàn 812