Ngày 9/11/2023, khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thông cáo báo chí về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, lên 2006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) thì người dân trong tỉnh không bất ngờ. Vì nếu ai theo dõi thông tin từ Quốc hội, qua báo chí thì trước đó đã nắm biết câu chuyện về chi phí sản xuất điện, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh, cao hơn năm trước nên việc phải tăng giá điện thành điều không sớm thì muộn để bảo đảm cho mục đích cuối cùng là hạn chế thấp nhất tác động đến nền kinh tế. Hơn nữa, nếu so với các mặt hàng khác ngoài thị trường vừa qua, nhất là xăng dầu, gạo… đã tăng giá bất ngờ, gây kịch tính do diễn ra trong thời gian ngắn thì mức tăng 4,5% của giá điện bán lẻ bây giờ cũng là điều đương nhiên.
Mặt khác, dù giá điện có điều chỉnh tăng nhưng những hộ nghèo, gia đình chính sách trong tỉnh cũng không bị ảnh hưởng gì, nhờ được hỗ trợ tiền điện tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo, hộ chính sách có lượng điện sử dụng không quá 50kWh/tháng đều được hưởng mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.
Trong khi đó, những hộ dân khác sẽ trả tiền điện sinh hoạt tăng thêm do điều chỉnh giá trên trong tháng cũng không nhiều. Nếu hộ dân dùng từ 50-100 kWh/tháng, chỉ trả tăng thêm từ 3.900 - 7.900 đồng thì hộ dân sử dụng 200 kWh/tháng thường chiếm số đông trong xã hội cũng chỉ trả tiền điện tăng thêm 17.200 đồng. Còn hộ dùng 300 - 400kWh/tháng chi thêm 28.900 - 42.000 đồng, trong khi hộ dùng đến 500kWh/tháng tăng thêm 55.000 đồng.
Nhiều người dân ở TP. Phan Thiết cho rằng, việc tăng giá bao nhiêu là hợp lý thì Quốc hội cũng đã bàn bạc nên không có ý kiến gì. Tuy nhiên, điều quan tâm là trong thời điểm tăng giá điện này thì Điện lực Bình Thuận (PCBT) cũng thay đổi ghi chỉ số (GCS) điện, lâu nay thường ghi từ khoảng giữa tháng thì nay ghi vào ngày cuối tháng. Theo đó, đến ngày 30/11 tới, mới GCS, có nghĩa tính tiền điện trong khoảng 48 - 50 ngày thì cách tính như thế nào, người dùng điện có thiệt thòi? Đó là lý do 5 ngày qua, nhiều người dân lo lắng rằng tiền điện phải trả vào cuối tháng 11 sẽ tăng cao, vì cho rằng bị dồn đẩy qua bậc 5, 6 nhiều với giá điện hơn 3.000 đồng/kWh…
Tách ra để tính, bảo đảm quyền lợi khách hàng
Những thắc mắc, lo lắng trên của các hộ dân dùng điện sinh hoạt, tức ở trạm công cộng cũng tương tự như những hộ dân trồng thanh long có hạ bình điện, tức trạm biến áp chuyên dùng vào khoảng tháng 8 - 9/2022. Thời điểm ấy, PCBT thực hiện lắp đặt công tơ điện tử có tính năng thu thập dữ liệu từ xa song song với chuyển đổi lịch ghi chỉ số điện vào ngày cuối tháng đối với tất cả 24.266 khách hàng có trạm biến áp chuyên dùng.
Ông Nguyễn Xuân Thanh, Chủ tịch UBND xã Tân Thuận, vùng chuyên canh thanh long lớn của huyện Hàm Thuận Nam nhớ lại thời điểm ấy, ban đầu người dân không hiểu hết, cũng có lo lắng, xôn xao. Nhưng sau khi những người lắp đặt công tơ điện tử đầu tiên loan báo lợi ích nhận về từ kiểm soát được các giá điện tính trong ngày thay vì 1 giá như trước nên chỉ trong thời gian ngắn, nhà vườn đề nghị lắp đặt công tơ điện tử hết. Còn chuyện chuyển đổi GCS điện vào ngày cuối tháng thì lúc đó, Điện lực tính toán hợp lý nên không nghe dân phản ứng gì. Đến giờ, việc tính toán tiền điện rất thuận tiện.
Theo Điện lực Bình Thuận, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng công ty Điện lực miền Nam, từ tháng 9/2022 đến tháng 11/2022, PCBT đã thực hiện chuyển đổi lịch GCS về ngày cuối tháng đối với tất cả các khách hàng có trạm biến áp chuyên dùng và đã nhận được sự đồng thuận của khách hàng. Còn với khách hàng dùng điện sinh hoạt và khách hàng ngoài sinh hoạt thuộc trạm công cộng thì PCBT đã báo cáo Sở Công Thương về kế hoạch công tác thay đổi lịch GCS công tơ khách hàng về ngày cuối tháng năm 2023, với số lượng khách hàng dự kiến thực hiện là 226.897 khách hàng và được Sở Công Thương chấp thuận tại Văn bản số 2048/SCT-QLNL ngày 11/8/2023, đồng thời PCBT đã báo cáo đến các cấp chính quyền địa phương về kế hoạch thực hiện thay đổi lịch GCS. Theo đó, đến tháng 10/2023, PCBT đã thực hiện thay đổi lịch ghi chỉ số về ngày cuối tháng đối với 127.663 khách hàng và trong tháng 11/2023 sẽ tiếp tục thực hiện 59.042 khách hàng. Vì vậy, tháng 11/2023 cũng là thời gian nằm trong lịch trình đặt ra từ trước và khi giá điện chung tăng thì tạo ra sự trùng hợp như trên.
Tuy nhiên, “cú đúp” trên không phức tạp như nhiều người xôn xao, vì PCBT đảm bảo việc tính toán hóa đơn tiền điện được căn cứ vào sản lượng điện ghi nhận trên công tơ theo thời gian thực tế sử dụng và giá điện thực hiện theo quy định. Đối với khách hàng mua điện cho mục đích sinh hoạt thì định mức sử dụng điện của từng bậc thang được điều chỉnh theo số ngày sử dụng điện thực tế của kỳ ghi chỉ số công tơ (theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư số 09/2023/TT-BCT ngày 21/4/2023 của Bộ Công Thương) nên đảm bảo đầy đủ quyền lợi của khách hàng. Ví dụ, nhà ông A dùng 300kWh từ ngày 14/10 đến ngày 30/11, tức 48 ngày thì sẽ tách sản lượng điện dùng từ ngày 14/10-8/11 (26 ngày) là 163kWh, áp giá điện cũ theo 3 bậc 1 - 3 để ra số tiền riêng. Số 137 kWh còn lại dùng từ ngày 9/11-30/11 thì áp theo giá điện mới cũng theo 3 bậc 1-3 để ra số tiền khác. Tất cả đều thể hiện cụ thể trên hóa đơn tiền điện.
Vì sao phải GCS vào ngày cuối tháng?
Phải ghi nhận là tháng đầu tiên này, người dân sẽ trả tiền điện nhiều hơn, chỉ là do đã dùng điện kéo dài đến 48 - 50 ngày, tùy vào ngày ghi giữa tháng ở từng khu vực của lúc trước. Nhưng qua đó cũng cho thấy, trên địa bàn tỉnh, công tơ cơ vẫn còn và lực lượng nhân viên đi đến tận nơi để ghi chỉ số điện ấy hàng tháng kéo dài mấy ngày liền là chuyện phải thay đổi sớm. Đó không chỉ là đích đến của hành trình chuyển đổi số, giúp minh bạch thông tin mà còn tuân thủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước của PCBT.
Trước đó, năm 2021, EVN xin ý kiến về kế hoạch dịch chuyển lịch ghi chỉ số công tơ đến ngày 31/12 nhằm ghi nhận doanh thu tròn 365 ngày để hạch toán tại báo cáo tài chính và tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm. Theo đó, Bộ Tài chính có ý kiến đề nghị EVN thực hiện việc rà soát đối chiếu số liệu thống kê về doanh thu giữa các kỳ kế toán để tránh việc ghi nhận trùng lắp hoặc bị thiếu doanh thu, đảm bảo các thông tin và số liệu kế toán phản ánh phù hợp với quy định về kỳ kế toán tại Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015 và chuẩn mực kế toán hiện hành.
Do đó, doanh thu phải đủ 365 ngày. Tuy nhiên, việc GCS vào khoảng giữa tháng lâu nay của ngành điện khiến con số doanh thu cuối năm dừng ở ngày 10 hoặc ngày 14/12, tức còn hơn nửa tháng doanh thu bị “gối đầu” sang năm sau. Từ đây, cũng ảnh hưởng đến việc tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều đó không phù hợp với luật định. “Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là ngày xác nhận chỉ số công tơ điện và được ghi trên hóa đơn tính tiền điện” – văn bản nêu rõ.
Đó là lý do PCBT phải triển khai GCS vào ngày cuối của tháng đồng thời đẩy mạnh lắp đặt công tơ điện tử có tính năng thu thập dữ liệu từ xa. Phủ công tơ điện tử này là yếu tố quan trọng để PCBT triển khai việc thống nhất lịch GCS tiêu thụ điện năng vào ngày cuối cùng trong tháng theo nhiều giai đoạn, với mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 100% khách hàng có lịch GCS vào ngày cuối tháng.
Tính đến tháng 10/2023, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã có 76,55% so với tổng số 415.431 khách hàng của PCBT được lắp đặt công tơ điện tử có tính năng thu thập dữ liệu từ xa.