Liên tục lập kỷ lục về giá
Trên các diễn đàn, các group kinh doanh cà phê, thông tin cà phê tăng giá “nóng” hơn bao giờ hết. Những kỷ lục về giá liên tục được xô đổ, tại thời điểm hiện tại, giá cà phê tươi đã chạm đến con số hơn 100.000 đồng/kg – mức giá cao nhất được ngành nông nghiệp ghi nhận trong 15 năm qua, tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Với việc giá cà phê tăng, một số dịch vụ ăn uống cũng tăng theo, đã gây sức ép không nhỏ đến những người đang kinh doanh quán cà phê, vì chi phí nguyên vật liệu từ nhà cung cấp cũng theo đà tăng mạnh. Thời gian gần đây, ở thành phố Phan Thiết nói riêng và các huyện, thị nói chung, số quán cà phê từ nhỏ đến lớn mọc như nấm, đáp ứng thị hiếu cũng như nhu cầu ngày càng cao của người dân trong tỉnh. Tuy nhiên, trước thực trạng giá cà phê tăng chóng mặt, hầu hết chủ các quán cà phê rất khó đưa ra lựa chọn, tăng giá hay giữ giá vì sự cạnh tranh khốc liệt hiện nay giữa ngành hàng này. “Nếu tăng giá, lượng khách sẽ giảm ngay, vì hiện nay có quá nhiều quán cạnh tranh nhau, chỉ chênh lệch 1.000 – 2.000 đồng/ly, cũng đủ để khách so sánh. Nhưng duy trì với giá cũ, thì e rằng các quán cà phê hiện đang thuê mặt bằng cao sẽ không trụ nổi. Do đó từ sau tết, tôi thấy nhiều quán cà phê từ vỉa hè đến những quán có sự đầu tư đã rục rịch tăng giá bán”, anh Hoàng – chủ một quán cà phê trên đường Lê Lợi – TP. Phan Thiết cho biết.
Chị Hằng – kinh doanh cà phê vỉa hè trên đường Tôn Đức Thắng – TP. Phan Thiết hơn 1 năm nay cho biết: “Tôi nhập cà phê nguyên chất để bán cà phê pha máy chỉ hơn 130.000 đồng/kg, nhưng từ tết đến nay, chủ cơ sở ở Đắk Lắk báo tăng giá liên tục, từ 150.000 đồng, đến 210.000 đồng và nay đã là 270.000 đồng/kg. Với giá bán 15.000 đồng/ly cà phê đen, tôi không có lời khi giá cà phê tăng hơn 100%. Từ tháng 3/2024, tôi báo với khách quen tăng thêm 1.000 đồng/ly, nhưng lượng khách đã giảm nhiều so với trước đây”.
Xoay xở để giữ giá
Chủ một quán cà phê lớn (đường Hùng Vương – TP. Phan Thiết) chia sẻ thêm: “Một kg cà phê pha trộn theo tỷ lệ 70% Robusta – 30% Arabica đã có giá bán hơn 250.000 đồng/kg, thay vì 180.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm 2023, do đó nếu không tăng giá, thì chủ sẽ không gồng nổi. Chúng tôi buộc phải lên giá cà phê pha máy từ 18.000 lên 20.000 đồng/ly và phải giải thích đến khách hàng để thông cảm”.
Tuy nhiên, không phải quán nào cũng ồ ạt tăng giá, một số quán vẫn giữ nguyên giá bán. Theo họ phân tích, một số quán hướng đến nhóm khách hàng có thu nhập thấp, trung bình nên rất nhạy cảm về giá, chỉ cần tăng nhẹ là mất khách ngay. Thêm vào đó, cà phê là đồ uống có giá vốn thấp nhất trong menu nên việc nguyên liệu tăng giá vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Thay vì tăng giá ly cà phê, các cơ sở này đẩy mạnh việc bán thêm các loại nước ép, trà hay đưa ra nhiều chương trình, combo ăn sáng và cà phê để tăng doanh thu.
Theo tìm hiểu, giá cà phê Việt Nam tăng cao ngoài xu hướng thế giới còn do nguồn cung hạn chế. Do những năm trước, giá cà phê luôn ở mức thấp, khiến nhiều nhà vườn chuyển sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Do đó tổng sản lượng cà phê sẽ không đúng thực tế, dẫn đến nguồn cung thiếu hụt so với tính toán, đẩy giá cà phê tăng cao và theo dự đoán của các doanh nghiệp, có khả năng giá cà phê tươi sẽ vượt đỉnh 120.000 đồng/kg. Với mức giá này sẽ khiến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê càng rơi vào thế khó. Thêm vào đó, các chuyên gia tiên lượng rằng, một số thương hiệu cà phê rang xay trên thị trường có thể sẽ phát sinh hiện tượng độn thêm bắp, đậu nành rang cháy, không đảm bảo an toàn thực phẩm để đối phó, cung cấp các đơn hàng đã ký khi nguồn cung vẫn thiếu hụt. Đặc biệt, nhu cầu người tiêu dùng vẫn đang chuộng cà phê pha phin hơn pha máy, nên loại cà phê bột trộn bắp, đậu nành sẽ có thêm lợi thế về giá.