Theo dõi trên

Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc

28/06/2021, 09:58

BT- Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Bởi vậy, xây dựng xã hội hạnh phúc phải được bắt đầu từ mỗi gia đình. Đây là nền tảng cũng là hạt nhân nuôi dưỡng cuộc sống hạnh phúc cho mỗi người.

 Gắn kết tình cảm gia đình

Dịch Covid-19 đã và đang gây ra những xáo trộn không nhỏ trong xã hội, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người, nhiều gia đình. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng là cơ hội để nhiều người tìm về giá trị gia đình, cùng nhau gắn kết bằng các hoạt động mà ngày thường họ bận rộn, không có đủ thời gian dành cho nhau. Gia đình chị Dương Ngọc Loan Ngân (khu phố Lâm Hòa, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc) cũng không nằm ngoài guồng quay đó. Bây giờ mỗi tối, chị lại dành thời gian ngồi nghe hai cô con gái kể chuyện cho nhau bằng tiếng Anh. “Dù mình không hiểu, nhưng dường như có mẹ ngồi bên các con tập trung và tự tin hơn. Kết thúc bài học, mẹ con cùng bàn luận về một chủ đề trong cuộc sống, nhất là giai đoạn này, con gái lớn đang ở tuổi dậy thì, tâm sinh lý có nhiều thay đổi. Còn chồng tôi, kết thúc giờ làm đều tranh thủ về nhà sớm ăn cơm, hạn chế gặp gỡ bạn bè”, chị Ngân chia sẻ.

Niềm hạnh phúc nhất của gia đình là ông bà ngoại vẫn khỏe mạnh, anh chị em được sống cạnh nhau, vẫn í ới, chia sẻ từng miếng ăn ngon, từng viên thuốc đắng. Nếp nhà ấy được các thành viên vun đắp, giữ gìn cho con cháu học tập, noi theo.

Còn gia đình bà Thông Thị Chồi (thôn 3, thị trấn Ma Lâm) là gia đình văn hóa tiêu biểu có 3 thế hệ đang chung sống. Theo bà, gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội, gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người. Gia đình có hòa thuận, hạnh phúc, xã hội mới phồn vinh, phát triển bền vững được. Thế hệ tôi và các con, cháu bây giờ có nhiều quan điểm sống khác nhau, vì thế ai cũng cần kiềm chế cái tôi của mình, tôn trọng, lắng nghe, bao dung trước những sai lầm, cũng như khuyến khích, động viên ưu điểm của mỗi thành viên.  Ông bà phải mẫu mực, là tấm gương cho con, cháu noi theo. Còn con cháu phải biết hiếu thuận với ông bà, cha mẹ; anh chị em bảo ban nhau làm ăn kinh tế, yêu thương nhau như chân tay, có như thế gia đình mới được yên ấm. 

Nền tảng để xã hội hạnh phúc

Quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế hiện nay tạo ra nhiều cơ hội để nâng cao chất lượng gia đình, song những mặt trái của cơ chế thị trường cũng tác động không nhỏ đến việc xây dựng văn hóa gia đình. Đó là lối sống thực dụng, đề cao tự do cá nhân, tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào gia đình. Tình trạng bạo lực gia đình, ly hôn ngày càng gia tăng. Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái đang rộng ra, sâu hơn khi những lo toan, bộn bề của công cuộc mưu sinh. Những bữa cơm chung với gia đình ít dần, bố mẹ lúc rảnh thì cắm cúi với điện thoại, mạng xã hội, lũ trẻ thì chúi mũi vào ti vi, máy tính bảng... Mối liên kết giữa ông bà, bố mẹ, con cháu, anh em trong gia đình, dòng tộc ngày càng lỏng lẻo, ảnh hưởng tới không khí đầm ấm, vui vẻ, hạnh phúc trong gia đình.

Sau một ngày làm việc, chị Dương Ngọc Loan Ngân lại dành thời gian để kiểm tra con cái học bài.

Trong mấy năm gần đây, ngành văn hóa tỉnh đã chủ động tuyên truyền về công tác gia đình, nhất là bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; tuyên truyền nhiều gương người tốt, việc tốt, kinh nghiệm, mô hình hiệu quả về xây dựng gia đình hạnh phúc. Đồng thời phối hợp với các ban ngành, đoàn thể xây dựng tài liệu truyền thông; duy trì và nhân rộng mô hình, câu lạc bộ về xây dựng gia đình theo hướng no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; phòng chống bạo lực gia đình, tổ chức hoạt động biểu dương các cá nhân, gia đình tiêu biểu, nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình…

Và cho dù “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng riêng với việc xây dựng và giữ gìn gia đình hạnh phúc, từ xưa đến nay chỉ có một công thức chung. Đó là sự cộng hưởng của tin tưởng, yêu thương, chia sẻ, quan tâm, giúp đỡ nhau và bình đẳng. Mỗi thành viên biết yêu thương, chia sẻ cùng nhau, biết trân trọng tình cảm gia đình, biết gìn giữ, vun đắp cho tổ ấm gia đình thì sự bình an, hạnh phúc đó mới thực sự bền lâu.

Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc là chủ đề nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam năm 2021. Đây là dịp để mỗi người con hướng về người thân, nuôi dưỡng những tình cảm, giá trị văn hóa cao quý của dân tộc. Dù có đi đâu, làm gì đi chăng nữa, hãy luôn nhớ đến gia đình với những gì tốt đẹp nhất.

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc