Chế biến sản phẩm từ thanh long của một doanh nghiệp trên địa bàn Hàm Thuận Nam (ảnh tư liệu). |
Tăng diện tích lẫn sản lượng
Đến hết năm 2020, diện tích thanh long tại Bình Thuận là 33.482 ha với sản lượng thu hoạch đạt 697.300 tấn, so với năm 2016 tăng lần lượt 6.451 ha và 179.175 tấn. Như vậy tính trong 5 năm gần đây (từ 2016 - 2020), diện tích thanh long trên địa bàn toàn tỉnh tăng gần 24% và sản lượng tăng gần 35%. Thế nhưng tỷ trọng tiêu thụ thanh long Bình Thuận trên thị trường nội địa hiện nay chỉ đạt khoảng 15% sản lượng, chưa đạt mục tiêu theo kế hoạch đề ra là từ 22 - 25%...
Đối với xuất khẩu thanh long chính ngạch của tỉnh sang các thị trường truyền thống (chủ yếu là Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á…) được giữ vững, dù vậy vẫn gặp không ít khó khăn. Trong khi đó việc mở rộng thêm thị trường mới như Trung Đông, Ấn Độ và các quốc gia đã ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc tuy được triển khai nhưng kết quả còn hạn chế.
Riêng Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của thanh long Bình Thuận và của Việt Nam nhưng hiện có diện tích trồng thanh long tương đương với nước ta, thực tế còn đang tiếp tục phát triển mở rộng. Đáng lưu ý, quốc gia này lại có mùa vụ thu hoạch thanh long (từ tháng 5 - 11) không chênh lệch nhiều so với thời điểm thu hoạch chính vụ của thanh long Bình Thuận. Và đây cũng là thời điểm thu hoạch của nhiều loại trái cây Trung Quốc như cam, quýt, táo, lê, nho... nên thanh long Bình Thuận phải cạnh tranh với cả thanh long lẫn các loại trái cây khác của nước này. Vì vậy dẫn đến việc tiêu thụ thanh long trái tươi của địa phương thường bị chậm, giá cả có xu hướng giảm và dự báo trong tương lai sẽ gặp khó khăn hơn tại thị trường đông dân nhất thế giới.
Đa dạng sản phẩm thanh long
Để bảo đảm đầu ra ổn định cho thanh long Bình Thuận, vừa qua UBND tỉnh giao Sở Công Thương phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Theo đó ngoài hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh, khả năng cạnh tranh thì còn quan tâm phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp. Bên cạnh nâng cao chất lượng và giá trị cho trái thanh long Bình Thuận cũng sẽ tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến nhằm đa dạng các sản phẩm từ thanh long.
Thời gian tới, địa phương tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến thanh long đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị. Trong đó có xây dựng mới Quy định về chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh (thay thế quy định về nội dung này trong giai đoạn 2016 - 2020). Đồng thời xúc tiến xây dựng thương hiệu, nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm để đáp ứng yêu cầu thị trường, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong lẫn ngoài nước.
Được biết tại Bình Thuận cũng có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia chế biến các sản phẩm từ thanh long, hàng năm cung ứng ra thị trường khoảng 200 tấn thanh long sấy, từ 800.000 – 1 triệu lít nước ép và rượu vang thanh long… Nhìn chung các sản phẩm chế biến từ thanh long Bình Thuận từng bước đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng nên đã có thị trường tiêu thụ trong nước. Đặc biệt sản phẩm nước ép thanh long của Trang trại Kim Hải và thanh long sấy của Công ty 12B còn tiến đến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc… Điều này đã mở ra triển vọng phát triển công nghiệp chế biến, qua đó nâng cao giá trị gia tăng cho thanh long Bình Thuận cũng như góp phần tiêu thụ trái tươi vào thời điểm thu hoạch chính vụ.
Trong thời gian qua, địa phương cũng quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm từ thanh long tham gia chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp. Đến nay đã có 9 doanh nghiệp, cơ sở với 12 sản phẩm chế biến từ thanh long được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Thuận, 2 sản phẩm đạt cấp khu vực và 1 sản phẩm đạt cấp quốc gia… |
QUỐC TÍN