Không ồn ào, chỉ là một góc nhỏ tại khu vực ảnh cà phê khách sạn Bình Minh, không gian ấy vừa đủ để du khách ghé ngang chiêm nghiệm, nhìn ngắm bên tiếng nhạc, được chủ nhân lý giải nguồn cơn của mỗi bức tranh. Có kỷ niệm, có thổn thức, có rung động về một nơi nào đó mà chính tác giả đã “chạm” vào.
“Tại sao là giấc mơ của Sen?” – câu hỏi dường như chỉ để khẳng định một lần nữa về cái tên Nguyễn Thị Liên Tâm. “Liên Tâm là tên cô, cô là Sen, giấc mơ của cô đấy. Từ hồi lớp 6 đã thích màu sắc, đã thích cầm cọ, mãi đến giờ mới dám…” – tác giả chia sẻ. Với gần 40 bức tranh trong số 100 tác phẩm đã từng vẽ, có đủ đầy sáng tối, lạnh ấm và trong từng bức tranh đều có nét chấm phá chút hồng tươi sắc sen, như một sự lạc quan nhất định, như cuộc vui chơi của cô gái đã từng lỡ nhịp giấc mơ của đời mình, nay được tung tẩy với màu sắc.
Khách tri âm vốn dĩ quen với Liên Tâm là thơ, là nhạc, là hình ảnh người đàn bà vui với con chữ. Tháng 6, nhạt mưa, nhưng lựa chọn tháng 6 để ra mắt triển lãm như là món quà tặng cho riêng mình. Với sự động viên của họa sĩ Họa sĩ Rừng - Kinh Dương Vương, nhà văn Lê Đình Trường, họa sĩ Phan Nguyên, họa sĩ Thân Trọng Minh, họa sĩ Nguyễn A Ninh, họa sĩ Trần Quang Dinh…
Đã “tập tành” trong suốt 10 năm, những lúc tĩnh lặng nhất để chơi đùa với màu sắc, và có khi chỉ là lúc bên mái hiên nhà, góc sân thân thuộc. “Thật lòng mà nói, mình không phải họa sĩ, không được đào tạo bài bản trường lớp, mình cứ để mặc nhiên cảm xúc, vẽ là vẽ. Vì mình là người hơi bị lì, muốn làm là làm, ai cản được” - cô cười bảo thế.
Tranh của Sen - Nguyễn Thị Liên Tâm đa phần là những góc nhỏ quê hương, quê hương ở bất cứ đâu “vì quá yêu đời này”. Giấc mơ của Sen không chỉ là giấc mơ cầm cọ, mà còn là giấc mơ kể lại câu chuyện đời bằng tranh. Đi đến đâu, vẽ về nơi ấy, con người ở đó, như cách kể chuyện thong dong nhất: Về Phú Quý, về dòng sông Cà Ty, về Thương Chánh, Hà Giang, về Bàu Trắng, có cả Đà Lạt thời Covid (bức vẽ chủ nhân tranh thêu XQ).
Bạn bè gọi nét vẽ của “Sen” là nét vẽ hồn nhiên, hồn nhiên một cách rất tự nhiên. Xem tranh hẳn sẽ thấy được nét đời thực, mà yêu mà quý từng góc phố, con đường thân quen, những khoảng lặng của hoài niệm.
Khán giả Hồng Đào khi xem tranh của Sen đã ví von: “Lần đầu tiên ở Phan Thiết – Bình Thuận có cây cọ nữ vẽ và triển lãm cá nhân. Hiếm và quý…”. Mà quý thật, đến hôm nay “Sen” đã tự kể về giấc mơ của chính mình, giấc mơ của thời non xanh, tươi tắn, tinh tươm, sau một quãng đường đời trầm mặc.
Có thể, khách tri âm vốn dĩ quen với đóa hoa sen lâu nay với thi ca nhạc họa, với những tác phẩm đã từng để lại ấn tượng đẹp đẽ và đủ đầy trong giới văn học nghệ thuật. Sau chừng ấy năm, sau những “đắn đo”, đã mạnh mẽ bước qua “trúc trắc” để đưa giấc mơ ấy đến với cuộc đời, với bạn bè và với cả khách tri âm.