Tiêm vắc xin dại ở chó nuôi thấp
Tổng đàn chó ở Bình Thuận là 117.797 con với 73.474 hộ nuôi. Mỗi hộ nuôi trung bình từ 1 - 3 con; giống chó chủ yếu là các giống địa phương, ngoài ra còn có thêm một số giống mới ngoại nhập được nuôi với mục đích làm thú cưng. Phương thức nuôi thả rông chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi. Theo Cục Chăn nuôi, số lượng nuôi chó, mèo tại Việt Nam chưa phản ánh đúng thực trạng nuôi chó, mèo. Bởi vì ngoài mục đích nuôi làm cảnh, nuôi để kiểm soát chuột, chó và mèo cũng được nuôi với nhiều mục đích khác.
Tuy nhiên, năm 2023, Bình Thuận có 42.881 con chó trong tổng số đàn được tiêm vắc xin phòng dại, đạt tỷ lệ 36,4%. Quý I/2024, số chó được tiêm vắc xin phòng dại là 44.956 con, đạt tỷ lệ 38,2%. Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại này thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước (47%). Trong đó, các huyện, thị có số lượng nuôi chó nhiều vượt 10.000 con gồm Tánh Linh 30.500 con, tỷ lệ tiêm vắc xin trên động vật nuôi này đạt 70%; Bắc Bình 21.496 con, tỷ lệ tiêm 8,33%; Hàm Thuận Nam 19.511 con, tỷ lệ tiêm đạt 34,99%; Hàm Tân 13.453 con, tỷ lệ tiêm 48,32%, La Gi 11.918 con, tỷ lệ tiêm 39,60%. Các địa phương có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên chó thấp - dưới 12% gồm Đức Linh 4,14%; Bắc Bình 8,33%; Phan Thiết 11,99%. Năm 2022 - 2023, Bình Thuận không phát hiện trường hợp chó mắc bệnh dại. 3 tháng đầu năm 2024, 1 trường hợp chó mắc bệnh dại được phát hiện tại khu phố 1, phường Đức Thắng (Phan Thiết). Đó là thông tin của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận.
Khó khăn và khắc phục
Mặt khác, Cục Thú y phân tích rõ tình hình chó mắc bệnh dại. Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên chó, mèo ở tỷ lệ dưới 39%, quá thấp so với yêu cầu phải đạt tỷ lệ tiêm phòng 70% trên tổng đàn chó, mèo. Chó mắc bệnh dại chủ yếu là chó không xác định được chủ, chưa được tiêm phòng vắc xin dại. Các địa phương quản lý đàn chó còn lỏng lẻo; chưa thành lập đội chuyên trách để bắt chó thả rông. Người nuôi chó không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt chó; tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm phổ biến dẫn đến cắn trọng thương, chết nhiều người, gây bức xúc trong xã hội. Đặc biệt, vi rút dại còn lưu hành trên động vật. Các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vắc xin dại cho chó theo quy định chưa được áp dụng. Bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh dại còn ít. Hệ thống thú y cơ sở còn thiếu về số lượng, chưa được tập huấn về chuyên môn thường xuyên.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật nuôi chó, mèo còn gặp rất nhiều khó khăn ở các địa phương như vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, miền núi, vùng cao. Nguyên nhân là do đàn chó ở đây đều thả rông, nên việc bắt chó để tiêm phòng hoặc xử lý khi dịch bệnh xảy ra rất khó thực hiện. Hơn thế nữa, cán bộ không chuyên trách về thú y tại các xã, phường, thị trấn không còn hoạt động nên các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động lực lượng thú y để tổ chức tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo. Một số UBND xã, phường, thị trấn chưa thật sự quan tâm trong việc quản lý đàn chó, mèo nuôi, chưa thực hiện xử lý, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm về tiêm phòng, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ chó, mèo.
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ chỉ đạo rà soát, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng bệnh truyền lây từ động vật sang người như bệnh dại trên đàn chó, mèo. Ngoài giải pháp trên, thiết nghĩ, các cơ quan liên quan áp dụng chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vắc xin dại cho chó theo quy định. Bởi tình trạng người dân chưa nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc nuôi chó.