Chết vì bệnh dại nhiều
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu tháng 3/2024 đến nay, hơn 800 lượt người điều trị dự phòng bệnh dại bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Trong đó, hơn 130 lượt tiêm huyết thanh. Và điểm đáng chú ý, toàn tỉnh có 3 ca tử vong do bệnh dại tại Hàm Tân 1 ca, La Gi 1 ca, Hàm Thuận Nam 1 ca. Bình Thuận là 1 trong số 22 tỉnh, thành phố trên cả nước ghi nhận có các ca tử vong do bệnh dại.
Ghi nhận tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong vòng vài tiếng đồng hồ, không ít trường hợp đến tiêm vắc xin, huyết thanh kháng dại và chờ theo dõi sau tiêm. Trong số những người này thì tỷ lệ người bị chó thả rông cắn chiếm cao hơn. Bà Lê Thị Nga (Hàm Thuận Bắc) cho biết: “Con trai của tôi đạp xe đi học, bất ngờ, có 1 con chó thả rông lao tới rượt và cắn. Thông qua thông tin trên báo chí có nhiều người bị chết do chó cắn mà không đi tiêm vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, tôi tranh thủ đưa con tôi đi tiêm ngay”.
Theo Bộ Y tế, mặc dù có vắc xin phòng bệnh dại trên người và trên động vật, nhưng cả nước có 70 người chết vì bệnh dại mỗi năm. Số lượng chết vì bệnh này nhiều nhất trong các bệnh truyền nhiễm. Trong 10 năm gần đây, có 60/63 tỉnh, thành xảy ra trường hợp mắc bệnh dại trong đó có Bình Thuận.
Vì sao ca mắc, tử vong do bệnh dại tăng?
Bộ Y tế phân tích nguyên nhân vì sao gia tăng bệnh dại, số ca tử vong do dại cao. Bởi 100% số ca tử vong dại do không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định. Trong đó, 43,8% chủ quan cho rằng chó nhà cắn, 5,5% trẻ nhỏ bị chó cắn không nói với gia đình. Điều này cho thấy nhận thức người dân về sự nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh dại còn hạn chế dẫn đến chủ quan, lơ là trong điều trị sau khi bị chó, mèo cắn. Đặc biệt trẻ em khi bị cắn thường không nói với gia đình. Tiếp đó, người dân e ngại việc tiêm vắc xin phòng dại có nhiều tác dụng phụ, dẫn đến việc sử dụng các biện pháp điều trị không được Bộ Y tế công nhận chiếm tỷ lệ 16,4% dùng thuốc nam để điều trị bệnh dại.
Mặt khác, giá vắc xin dại tương đối cao (1,2 - 1,5 triệu đồng/liệu trình) gây khó khăn trong việc chi trả của người nghèo, dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ không có tiền để tiêm vắc xin, huyết thanh kháng dại là 8,2%. Và 11% không hiểu biết về bệnh dại; 13,7% là không rõ. Thêm vào đó, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo nuôi còn thấp dẫn đến gia tăng dịch bệnh trên động vật và tăng nguy cơ lây nhiễm sang người. Cùng với đó, công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế. Nhiều địa phương vẫn để xảy ra tình trạng thả rông chó, mèo dẫn đến tăng nguy cơ tấn công con người.
Sớm tiêm phòng bệnh dại
Tại hội nghị liên ngành phòng chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người mới đây, Bộ Y tế nhận định những khó khăn trong công tác phòng chống bệnh dại. Đó là dịch bệnh diễn biến khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát từ các ổ chứa tự nhiên. Trong khi đó, nhân lực phòng, chống dịch các tuyến mỏng và yếu đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi. Nguy cơ thiếu vắc xin và huyết thanh kháng dại sẽ không tránh khỏi. Bởi các công ty nước ngoài giảm cung cấp vắc xin dại (vì lợi nhuận thấp), nên nhà cung ứng còn lại không kịp điều chỉnh tăng số lượng nhập. Bên cạnh đó số người đi tiêm phòng dại có xu hướng gia tăng. Kinh phí phòng chống dịch bệnh cho mỗi năm còn hạn chế, nên kinh phí chủ yếu tập trung vào công tác giám sát và xử lý ổ dịch.
Theo Tiến sĩ Chế Ngọc Thạch – Trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), người dân không thể nào biết được con chó, mèo nào có mang vi rút dại hay không. Sau khi bị cắn mà không tiêm vắc xin, huyết thanh kháng dại, người bệnh lên cơn dại, chắc chắn 100% dẫn đến tử vong. Một khuyến cáo chung - người dân cần có ý thức tốt trong việc phòng chống bệnh dại. Phải tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại ngay nếu như bị chó, mèo cào, cắn.
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Hồng – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cho biết: Sở Y tế đề nghị các địa phương trong tỉnh hết sức quan tâm vấn đề quản lý chó thả rông. Về chuyên môn ngành y tế, Sở sẽ rà soát lại các cơ sở y tế trong tỉnh để nắm bắt tình hình chuẩn bị vắc xin phòng bệnh dại với số lượng có đủ hay không. Thông qua đó, Sở sẽ có kế hoạch bố trí vắc xin này nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận với vắc xin phòng dại của người dân - ít nhất 1 điểm/huyện và không để thiếu vắc xin.