BT- Một trong những nguyên nhân dẫn đến trẻ bị xâm hại tình dục xuất phát từ quan hệ yêu đương trên mạng xã hội. Và mối nguy hiểm từ thế giới ảo không chỉ tiêm nhiễm vào đầu trẻ những thứ văn hóa phẩm đồi trụy mà còn là những trào lưu, phong cách sống không giống ai của giới trẻ…
Trang bị cho trẻ em các kiến thức và kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục. Ảnh minh họa |
Mối nguy từ thế giới ảo
Tại Hội thảo quản lý ca và công tác phối hợp liên ngành trong phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em theo Nghị định số 56/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ vừa được Tổ chức Tầm nhìn Thế giới phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức vào tháng 9 vừa qua tại TP. Phan Thiết; các đại biểu tham dự đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bị xâm hại tình dục. Trong đó nổi lên nguyên nhân mới xuất phát từ mạng xã hội.
So những năm trước, hiện nay các bé được tiếp cận với công nghệ điện tử, mạng xã hội quá sớm ảnh hưởng nhiều đến tâm sinh lý của trẻ. Mạng xã hội hiện nay như món ăn “tinh thần” không thể thiếu của giới trẻ. Sự xuất hiện của cụm từ “sống ảo” phần nào thể hiện sự lệ thuộc của giới trẻ vào thế giởi ảo. Ảnh hưởng là vậy nhưng công tác quản lý nhà nước, kiểm duyệt các hình ảnh, văn hóa phẩm đồi trụy, thiếu lành mạnh trên các trang mạng xã hội còn nhiều bất cập nên ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý các em. Thêm vào đó, cuộc sống hiện nay đã tốt hơn, trẻ được ba mẹ chăm sóc tốt nên độ tuổi dậy thì ở các bé gái đã sớm hơn so trước đây. Hiện nay khoảng từ 11 - 13 tuổi là các bé gái đã bước vào giai đoạn này. Sự non nớt về tâm lý cộng với sự thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản đã khiến các em không thể chống lại những cám dỗ trên mạng xã hội. Có nhiều vụ việc chính các em lại đồng thuận, thậm chí chủ động để cho đối tượng thực hiện hành vi xâm hại. Mà vụ việc xảy ra mới đây tại TP. Phan Thiết là một ví dụ.
Cuối năm 2019, thông qua mạng xã hội facebook, Y (12 tuổi) và T (14 tuổi) quen nhau rồi nảy sinh tình cảm yêu đương. 3 tháng sau quen biết, Y thường xuyên đến nhà T chơi. Lấy lý do ba mẹ và người thân đi làm ăn xa, Y xin gia đình T ngủ lại qua đêm. Và trong đêm đó, Y đã chủ động quan hệ với T, gia đình Y biết chuyện đã làm đơn tố cáo. Tại cơ quan công an, 2 đứa trẻ ngây ngô khai nhận yêu nhau và quan hệ là không có tội… Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh vừa đưa ra xét xử vụ án “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” và T bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù. 2 đứa trẻ vì sự thiếu hiểu biết của mình mà giờ đây người vướng vòng lao lý, người mang vết thương lòng không thể hàn gắn… Trong vụ việc trên, cả 2 em đều có hoàn cảnh rất đáng thương. Ba mẹ đều ly hôn, nhà nghèo T phải nghỉ học từ năm lớp 7, còn Y thì thiếu sự quan tâm, chia sẻ của người mẹ ở lứa tuổi dậy thì.
Cần sự quan tâm từ gia đình
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng ngoài những nguyên nhân xã hội thì sự vô tâm, thờ ơ của gia đình cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ xâm hại trẻ em… Hiện nay do gánh nặng cơm áo gạo tiền, nhiều gia đình đã bỏ bê chăm sóc, giáo dục con cái. Ngoài việc lo cho con đầy đủ về vật chất thì nhiều bậc ba mẹ không biết con mình đang làm gì, chơi với bạn nào, đến khi phát hiện thì sự việc đã đi quá giới hạn. Thống kê cho thấy các hành vi xâm hại trẻ em hầu hết do ba mẹ, người thân, người quen, bạn bè, người có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ gây ra. Các đối tượng lợi dụng sự quen biết với gia đình các bé rồi dùng những hành động quan tâm, chia sẻ để tạo niềm tin với trẻ cũng như gia đình. Sau đó lợi dụng sự mất cảnh giác của gia đình và sự thiếu hiểu biết, nhận thức chưa đầy đủ của trẻ để thực hiện hành vi xâm hại. Một vấn đề đáng lên án là không ít những vụ xâm hại trẻ em khi bị phát hiện thì gia đình nạn nhân lại “thỏa hiệp” với các đối tượng. Họ sợ bị mang tiếng với xóm làng, sợ áp lực dư luận phải chuyển đi nơi khác sống.
Gia đình là nền tảng xã hội, chính vì vậy những bậc phụ huynh cần giáo dục kỹ năng phòng ngừa xâm hại cho trẻ. Ba mẹ cần thường xuyên quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm sinh lý cần thiết. Và ở một chừng mực nào đó, ba mẹ cũng cần phải dạy con cái biết cách phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại.
Sự giáo dục của gia đình cộng với việc vào cuộc tuyên truyền của các ngành chức năng sẽ phần nào làm giảm đi những vụ việc đau lòng…
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có hơn 1.200 trẻ em bị xâm hại, trong đó 93% thủ phạm là người quen của nạn nhân như họ hàng, người trong gia đình. |
NguyỄn Luân