Hội thảo dưới sự chủ trì của các đồng chí Dương Văn An- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Văn Phong- Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Ngọc Bảo- Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, TS. Phạm Hùng Tiến- Phó giám đốc Viện FNF.
Hội thảo có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Hoài Anh- Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, các ĐBQH khóa XV tỉnh Bình Thuận, đại diện một số Bộ, ngành Trung ương; sở, ngành địa phương, các chuyên gia, doanh nghiệp, đại diện các Hợp tác xã, hộ nông dân trực tiếp sản xuất thanh long trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh nhấn mạnh, Bình Thuận xác định 3 trụ cột phát triển là nông nghiệp, du lịch - dịch vụ và công nghiệp. Trong đó, thanh long là một trong những cây trồng chủ lực, chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp của tỉnh.
Tuy nhiên, những năm gần đây việc sản xuất và tiêu thụ thanh long gặp rất nhiều khó khăn như công tác quy hoạch, tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ, giá cả bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc... Chính vì vậy, việc tổ chức hội thảo nhằm trao đổi kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cũng như doanh nghiệp về thực trạng sản xuất và tiêu thụ trái thanh long, yêu cầu của các nước nhập khẩu trái thanh long. Từ đó, đề xuất giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nông dân trồng thanh long và doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu thanh long của tỉnh, góp phần đưa việc sản xuất và tiêu thụ thanh long thật sự bền vững trong thời gian đến.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đề cập đến thực trạng, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp nói chung và thanh long nói riêng. Qua đó, đặt ra những mục tiêu, giải pháp và kiến nghị trong thời gian tới.
Cụ thể, tiếp tục duy trì sản xuất thanh long theo vùng tập trung quy mô lớn; xây dựng hệ sinh thái bền vững trong sản xuất, tiêu thụ, chế biến và các dịch vụ liên quan đến thanh long. Tăng cường các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ thanh long theo chuỗi giá trị; có chính sách đảm bảo doanh nghiệp, HTX giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt thúc đẩy phát triển.
Có chính sách phát triển vùng trồng thanh long gắn với chuỗi dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp. Riêng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, người sản xuất thanh long cần thay đổi sang tư duy kinh tế, trồng và phát triển thanh long được chứng nhận theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Song song, chủ động tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã theo chuỗi giá trị; tổ chức lại sản xuất, cùng hợp tác hình thành vùng chuyên canh thanh long với quy mô lớn hiệu quả…
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đánh giá, hội thảo diễn ra trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm, tình cảm của các bộ, ngành, tỉnh bạn đối với thanh long Bình Thuận. Đồng thời nhấn mạnh thanh long có vai trò, vị trí rất quan trọng, được các nước trên thế giới ưa dùng. Song sản phẩm thanh long hiện đang gặp khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ.
Các ý kiến thảo luận trong hội thảo là gợi ý cho các địa phương trong cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng về thực hiện tốt quy hoạch, hoàn thiện chuỗi giá trị, khoa học kỹ thuật, thị trường tiêu thụ. Theo đó, Bình Thuận sẽ tiếp tục nghiên cứu để thực hiện trên thực tế, làm sao để thanh long Bình Thuận giữ được vai trò là nông sản chủ lực.
Qua đó, sẽ có báo cáo đề xuất, kiến nghị các bộ ngành Trung ương về các chính sách hỗ trợ phù hợp. Mặt khác, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận mong các lãnh đạo bộ, ngành quan tâm đề xuất, tăng cường hỗ trợ cho nông dân, hợp tác xã sản xuất thanh long bền vững...