Theo dõi trên

Hàm Thuận Bắc: Người trồng “mệt mỏi” với thanh long

18/05/2022, 04:58 - Lượt đọc: 20,454

Từ loại trái cây lợi thế từng giúp người trồng có của ăn của để, thì nay không ít vườn thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc bị bỏ mặc, thậm chí “dứt tình” sau thời gian dài gắn bó…

“Mệt mỏi” với thanh long

Hắng giọng ngao ngán, anh Tấn lắc đầu nhìn về phía mảnh vườn đã nhổ sạch trụ: “Giờ chưa biết trồng cây gì nên cứ để vậy thôi, chắc không thể quay lại với thanh long…”. Nhớ “thuở hoàng kim” cách đây hơn chục năm, anh cho biết giai đoạn 2010 - 2012 vườn thanh long 1.000 trụ của gia đình từng cho thu nhập 300 triệu đồng/năm sau khi trừ các khoản đầu tư. Nhiều người trồng thanh long tại địa phương dù diện tích ít hơn, song vẫn đủng đỉnh đồng vào đồng ra khi thời điểm đó giá thu mua có lúc lên đến 30.000 đồng/kg.

Nhưng câu chuyện tiếp nối lại là “nốt trầm buồn” vì thời gian dài sau đó, đầu ra cho loại trái cây lợi thế của Bình Thuận liên tục gặp khó với mức giá khá thấp, trong khi chi phí đầu vào lại tăng cao khiến người trồng nản dần. Dẫn chứng cả ngàn trụ thanh long của gia đình anh Tấn không còn chăm sóc cắt tỉa hay phân thuốc kể từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát, đến nay thì nhổ bỏ hoàn toàn vì chẳng còn chút hy vọng nào… Cùng địa bàn thôn Bình Lâm - xã Hàm Chính (Hàm Thuận Bắc), khoảng 700 trụ thanh long có “tuổi đời” 16 năm vừa bị anh Hiền nhổ bỏ, thay vào đó là những hàng dừa xiêm mà tính đến tháng 5/2022 mới tròn 4 “tháng tuổi”. Hỏi ra cũng chung lý do qua nhiều năm càng đầu tư càng lỗ, không ít người trồng đã “mệt mỏi” với thanh long, bởi không ai dám chắc tương lai tươi sáng ở phía trước.

Vườn thanh long cả ngàn trụ của gia đình anh Tấn (thôn Bình Lâm - xã Hàm Chính) từng bị bỏ mặc trước khi nhổ bỏ hoàn toàn.

Tìm đến UBND xã Hàm Chính, trao đổi với ông Huỳnh Văn Tiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã được biết diện tích thanh long nơi đây chắc chắn đã giảm so với 950 ha thống kê trước đó. Âu cũng là tình hình chung, vì hầu như thời gian qua chẳng có hộ nào trên địa bàn trồng thanh long mà có lãi nên không tạo động lực để họ tái đầu tư. Do vậy chỉ có một số diện tích còn cầm cự duy trì sản xuất thanh long, phần lớn bị bỏ mặc dẫn đến lụi tàn hoặc được thay thế bằng cây ăn trái khác như dừa, mãng cầu, bưởi, ổi… Trước thực trạng này, Hội Nông dân xã Hàm Chính có hỗ trợ kinh phí chuyển sang sản xuất lúa giống từ nguồn vốn đất lúa cho hàng chục ha, nhưng hiệu quả chưa rõ ràng do giá vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) đang ở mức cao.

Vườn thanh long của anh Hiền (thôn Bình Lâm - xã Hàm Chính) đã thay thế bằng những hàng dừa xiêm.

Diện tích sụt giảm mạnh

Đối với toàn huyện Hàm Thuận Bắc, qua rà soát cho thấy diện tích thanh long đã trồng từ trước là gần 9.325 ha, hiện đang còn canh tác khoảng 7.533 ha, tức giảm hơn 1.790 ha do bỏ không sản xuất hoặc nhổ trụ chuyển sang trồng lúa, rau màu, cây lâu năm… Theo chính quyền địa phương, nguyên nhân cũng vì giá bán xuống thấp, không tiêu thụ được suốt thời gian dài trong khi thị trường tiêu thụ thanh long Hàm Thuận Bắc chủ yếu xuất sang Trung Quốc (chiếm hơn 85% sản lượng). Bởi vậy khi dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc kiên trì thực hiện chính sách “Zero - Covid” đã tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu, dẫn đến có thời điểm các vựa và hợp tác xã trên địa bàn huyện đóng cửa không thu mua. Đặc biệt trong những tháng đầu năm 2022, giá thanh long liên tục xuống thấp ở mức 500 đồng/kg đến 4.000 đồng/kg, thậm chí có lúc thanh long chín không người mua buộc phải đổ bỏ.

Một thực tế cũng đang diễn ra tại Hàm Thuận Bắc là do không kham nổi chi phí đầu tư, phần thì giá đất tăng cao nên xảy ra trường hợp người dân chấp nhận bán vườn thanh long để chuyển hướng sản xuất - kinh doanh ở lĩnh vực khác. Điều đáng nói ở đây có hiện tượng người từ nơi khác đến mua gom đất, tuy nhiên không tiếp tục duy trì sản xuất thanh long mà để “hoang hóa” theo thời gian. Thêm nguyên nhân nữa là do một số vườn thanh long nằm trong khu vực giải tỏa để thi công tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, vì vậy cũng làm cho diện tích cây trồng này giảm đi…

Để khắc phục tình trạng nêu trên, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục rà soát diện tích thanh long giảm tại Hàm Thuận Bắc và tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người dân. Nhất là khuyến cáo người trồng cân nhắc không vội vàng chặt phá hoặc bỏ mặc vườn thanh long, thay vào đó duy trì sản xuất bằng cách tưới nước, cắt cỏ, bón phân hữu cơ với lượng tối thiểu để giữ màu xanh của cây. Qua đó tránh tình trạng cây thanh long suy kiệt, teo tóp và đợi đến khi tình hình thị trường ổn định thuận lợi sẽ tiếp tục đầu tư khai thác… Với diện tích thanh long bị nấm bệnh, già cỗi thì có thể trồng mới hay thay thế cây trồng khác nhưng phải phù hợp đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng cũng như có định hướng thị trường cho các loại cây chuyển đổi.

Khuyến cáo của UBND huyện là vậy, song quyền quyết định phụ thuộc vào người trồng loại cây được xác định lợi thế trên địa bàn Hàm Thuận Bắc. Như anh Hiền và một số trường hợp khác ở thôn Bình Lâm - xã Hàm Chính đã “dứt tình” với thanh long để hướng đến dừa xiêm với kỳ vọng sẽ cho thu nhập trong khoảng 3 năm tới. Vuốt ve tàu lá xanh non rồi hướng ánh mắt về xa xăm, anh Hiền đăm chiêu pha chút phập phồng: “Mong rằng thời điểm đó, dừa xiêm được đảm bảo đầu ra ổn định với mức giá hợp lý chứ không phải như thanh long hiện nay…”.

QUỐC TÍN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tình hình nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản ổn định
Từ đầu năm đến nay, việc nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh khá ổn định.
Nổi bật
Nhiều công trình, dự án trọng điểm sẽ được triển khai năm 2024
Chiều 28/3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông và Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 3/2024. Tham dự buổi họp có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan và các cơ quan báo chí của tỉnh, Trung ương thường trú tại Bình Thuận.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Thuận Bắc: Người trồng “mệt mỏi” với thanh long