Từ năm 2009, Ủy ban quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã chọn tháng 6 hàng năm là Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong phạm vi cả nước.
Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2019 từ ngày 1 - 30/6/2019 với chủ đề “Mẹ không có HIV - Con không nhiễm HIV”. Thông qua tháng cao điểm nhằm đẩy mạnh sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thực hiện dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; nâng cao nhận thức của xã hội, nhất là phụ nữ mang thai, vợ của những người HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
Ước tính ở Việt Nam mỗi năm có 1,8 - 2 triệu phụ nữ sinh con, với tỷ lệ nhiễm HIV trong phụ nữ có thai hiện nay khoảng 0,35% thì mỗi năm sẽ có khoảng 5.000 - 7.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV sinh con và tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 25 - 40% (tương đương 1.500 - 1.800 trẻ ) nếu không có can thiệp gì. Tuy nhiên, nếu được được chẩn đoán sớm và có phác đồ điều trị hiệu quả thì có đến 97 - 98% bà mẹ nhiễm HIV sinh con an toàn, nghĩa là tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con chỉ còn 2 - 3%. Như vậy nếu biết dự phòng, chăm sóc và theo dõi đúng cách, trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HIV có HIV sẽ được giảm đi đáng kể.
Bình Thuận có trên 5,8 ngàn người nhiễm HIV, trong đó phụ nữ chiếm khoảng 1/4 tương đương trên 1,4 ngàn người. Điều cho thấy phòng chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con là hết sức quan trọng trong tình hình hiện nay. Điều quan trọng nhất trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là giúp người phụ nữ nắm rõ nguy cơ lây nhiễm và đường lây truyền HIV để họ biết cách tự phòng bệnh cho mình và tránh lây nhiễm HIV cho con. Do vậy, thông qua tháng cao điểm cần đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là phụ nữ nhiễm HIV thăm khám thai hàng tháng ở các cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; uống thuốc kháng virut (ARV) theo phác đồ của Bộ Y tế; cung cấp các biện pháp chăm sóc và dự phòng thích hợp trong quá trình chuyển dạ và sinh đẻ như đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối khi đỡ đẻ, hạn chế các can thiệp gây chảy máu, chỉ mổ lấy thai khi có chỉ định của bác sĩ… Trẻ sau khi sinh cần được uống thuốc kháng virus và cho trẻ dùng sữa ngoài, không cho trẻ bú sữa mẹ khi người mẹ đang nhiễm HIV.
Nhìn chung những người bị nhiễm HIV, nhất là những bà mẹ mang thai thường có tâm lý rất tiêu cực. Vì vậy cần sự chia sẻ của gia đình, cộng đồng và xã hội. Các cơ sở y tế cần làm tốt công tác tư vấn không chỉ về điều trị mà cả tâm lý, tình cảm. Xã hội cần tránh kỳ thị với người nhiễm HIV, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai đang nhiễm HIV. Tập trung tuyên truyền về lợi ích của bảo hiểm y tế đối với phụ nữ nhiễm HIV. Vận động, tạo điều kiện cho phụ nữ nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ có thẻ bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, giảm bớt áp lực về kinh tế, qua đó giảm việc không điều trị hoặc điều trị ngắt quãng thuốc kháng visus (ARV).
Hy vọng với sự góp sức của xã hội, của ngành y tế và sự tự giác, hiểu biết của các bà mẹ, chúng ta sẽ góp phần làm giảm mạnh và đi đến chấm dứt tình trạng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh trong thời gian sớm nhất.
THẾ NAM