Theo dõi trên

Giáo dục phải bắt đầu từ những điều gần gũi

04/09/2023, 06:08

“Giáo dục phải bắt đầu từ những điều gần gũi, bắt đầu từ trong nhà mới ra ngoài ngõ; bắt đầu để mỗi trẻ biết thương cha, thương mẹ, biết cảm thông với nỗi nhọc nhằn…”. Đó là những lời tâm sự đầy sâu sắc của thầy giáo Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tại lễ bế giảng năm học và trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên năm 2022.

Câu chuyện không còn mới, nhưng những lời căn dặn ấy vẫn được nhiều người truyền tin nhau trên mạng xã hội, trước thời điểm bước vào năm học 2023 – 2024.

Gieo mầm thiện thương yêu từ gia đình

Những lời gửi gắm của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tới học trò của ông - các thầy cô giáo tương lai sẽ nối tiếp sứ mệnh vẻ vang của giáo dục “vì lợi ích trăm năm trồng người” như lời Bác Hồ căn dặn. “Giáo dục phải bắt đầu từ những điều gần gũi, bắt đầu từ trong nhà mới ra ngoài ngõ… Giáo dục để trẻ đến với nhau bằng tình thương trang lứa, để mỗi em thơ không mặc cảm giàu nghèo. Cái cao cả của một nền giáo dục không phải chỉ tạo ra các chuyên gia thật giỏi giang, mà thành công trước tiên là tạo ra những con người ứng xử văn minh và có tấm lòng rộng lượng... Giáo dục để mỗi trẻ lớn lên trong yêu thương và trân quý hòa bình, đừng gieo vào các em lòng thù hận mà hãy dạy cho các em đức tính khoan dung. Cố làm sao để mỗi trẻ lớn lên lấy yêu thương và tha thứ làm đầu…”.

th-lam-giang.jpg
Giáo dục học sinh bằng sự yêu thương

Với ý nghĩa là môi trường văn hóa đầu tiên, nơi mà mỗi cá nhân từ khi chào đời đến phát triển, trưởng thành liên tục được tiếp nhận những tình cảm tốt đẹp từ các thành viên, nên văn hóa gia đình là giá trị cốt lõi của văn hóa xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước ngày càng đổi mới và hội nhập, ở một bộ phận gia đình hiện nay, nhân cách của con trẻ đang chịu tác động xấu bởi tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, lối sống thực dụng, trọng tiền tài, vật chất nói chung, thiếu vắng sự chăm sóc, dạy dỗ, bảo vệ con trẻ nói riêng.

Mặc dù cha mẹ vẫn coi những đứa con là cả thế giới, nhưng thay vì làm bạn, gần gũi lại giao cho chúng những thiết bị di động, chiều chuộng và tạo thói quen hưởng thụ. Có phụ huynh thường xuyên chứng minh rằng mình đúng còn con mình sai. Có phụ huynh lại quá kỳ vọng vào con cái và tạo áp lực học tập… Hãy nhớ, lòng hiếu kính, yêu thương, chia sẻ là phần quan trọng để hình thành nên con người, sẽ mãi mãi xanh tươi chứ không hề cổ hủ, lạc hậu trong bất cứ xã hội nào.

phong-tvhd.jpg
Học sinh Trường THCS Nguyễn Thông đến phòng tư vấn học đường nhờ giáo viên giúp đỡ

Cô giáo phải như mẹ hiền

Bài học đầu tiên khi đến trường mà ông bà, cha mẹ vẫn dạy ta, hẳn nhiều người vẫn nhớ: “Lúc ở nhà mẹ là cô giáo/Khi đến trường cô giáo như người mẹ hiền”. Đó không hẳn là một lời động viên con cái tới lớp, sự kính trọng mà còn cả những kỳ vọng của phụ huynh muốn gửi gắm.

Làm “mẹ hiền” phải thể hiện bằng lời nói, cử chỉ, thái độ, qua đó bộc lộ sự quan tâm, yêu thương, tôn trọng, chia sẻ. “Mẹ hiền” có thể trách mắng, có thể phạt, có thể giận… nhưng hẳn không xúc phạm trẻ, không làm trẻ bị tổn thương và luôn biết cách bảo vệ trẻ. Đó là chú ý đến tâm sinh lý, thái độ, tình cảm và các biểu hiện khác của trẻ. Đó là thực sự lắng nghe học trò của mình, để các em thực sự cảm thấy thoải mái trò chuyện mà không tỏ ra sợ hãi.

ng-du.111.jpg
Các hoạt động ngoại khóa được tổ chức tại Trường THCS Nguyễn Du giúp gắn kết tình cảm thầy trò

Chính vì thế, thầy giáo Nguyễn Văn Minh nhắn nhủ rằng: “Mình không phải là thần tượng và đừng tự biến mình thành thần tượng. Mình phải là hiện thân của sự bình thường, có đúng, có sai và khi lỗi lầm thì nhận ra để sửa… Đến với trẻ bằng sự chân thành, bằng tình yêu thương, bằng sự tinh tế để cảm hóa và nâng niu trẻ, khiến cho dù hoàn cảnh nào thì trẻ không phải tự ti, mặc cảm mà cố gắng vươn lên”.

Bởi rất nhiều lý do từ môi trường sống, sự phát triển của xã hội cùng những phương tiện đại chúng với các nội dung lệch lạc chuẩn mực đạo đức. Tất cả dường như đang tạo nên một rào cản vô hình khiến những đứa trẻ ngày nay thay đổi về cách ứng xử. Nhưng “Tôn sư trọng đạo”, yêu thương quý mến thầy cô giáo vẫn luôn là nét văn hóa được người Việt Nam lưu giữ suốt bao đời.

Trống đã điểm vào năm học mới. Phụ huynh hãy tin tưởng mỗi thầy cô giáo có một phong cách, đưa kiến thức đến cho học sinh bằng nhiều cách khác nhau. Vì thế hãy tạo điều kiện để họ trở thành “mẹ hiền” thay vì tạo áp lực, đòi hỏi và hãy cùng phối hợp là những cha hiền, mẹ hiền ở nhà của con mình.

THÙY LINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nâng cao chất lượng phổ biến giáo dục pháp luật vùng DTTS và miền núi
Như chúng ta đã biết, việc triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp (PBGDPL), công tác PBGDPL nói chung và PBGDPL đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng trên địa bàn tỉnh đã được triển khai tương đối toàn diện trong những năm vừa qua, có trọng tâm, trọng điểm.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục phải bắt đầu từ những điều gần gũi