Theo dõi trên

Giao khoán bảo vệ rừng: Tăng độ che phủ rừng, tạo sinh kế cho người dân

24/07/2018, 09:53

BT- Thực hiện Nghị quyết số 04, ngày 27/5/2002, của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2005, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số của 11 xã thuần và các thôn xen ghép. Theo đó chính sách giao khoán bảo vệ rừng với mức khoán 200.000 đồng/ha/năm, hạn mức diện tích rừng nhận khoán từ 30 đến 40 ha/hộ.

Triển khai thực hiện chính sách trên theo quy định của Trung ương, năm 2016, UBND tỉnh đã quyết định nâng từ 200.000 đồng lên 400.000 đồng/ha/năm để chi trả việc bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, hàng năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Sở Tài chính tổng hợp nhu cầu phân khai kinh phí thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số để trình UBND tỉnh ban hành quyết định phân bổ vốn để triển khai thực hiện. Theo số liệu thống kê, diện tích giao khoán bảo vệ rừng trong năm 2016 – 2017 cho đồng bào dân tộc thiểu số với diện tích là 136.494 ha/3.385 hộ, chiếm 38,55% diện tích rừng trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, từ khi giao khoán bảo vệ rừng đến nay cùng với sự tham gia tích cực của các đơn vị chủ rừng, kiểm lâm địa bàn đã thực hiện tốt phương án quản lý và bảo vệ rừng. Việc thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng còn góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác bảo vệ, phát triển rừng của các cấp chính quyền, các ngành và các hộ nhận khoán, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cộng đồng, các hộ nhận khoán với chủ rừng và chính quyền địa phương. Việc thành lập các tổ bảo vệ rừng trong các hộ đồng bào nhận khoán đã làm tăng sức mạnh để trấn áp các đối tượng vi phạm, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mặt khác, giúp các hộ nhận khoán quen dần việc sinh hoạt có tổ chức và qua đó để phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Việc thực hiện chủ trương giao khoán bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh còn góp phần quản lý có hiệu quả tài nguyên rừng, làm suy giảm suy thoái rừng và tạo điều kiện cho rừng tái sinh tự nhiên, hạn chế nạn phá rừng làm rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Các vụ phá rừng, khai thác lâm sản trái phép phần lớn được phát hiện, xử lý kịp thời, không để xảy ra tình trạng rừng bị phá, bị khai thác đến mức nghiêm trọng. Diện tích rừng được duy trì ổn định, khôi phục lại rừng và tạo điều kiện thuận lợi cho rừng tự nhiên phát triển, phục hồi lại diện tích rừng nghèo kiệt, tăng độ che phủ của rừng. Theo thống kê, năm 2015 độ che phủ là 39,8%, năm 2016 là 40%, năm 2017 là 41,2%, qua đó đã nâng cao được khả năng phòng hộ.

Từ thực tế cho thấy, nơi nào đồng bào hưởng ứng mạnh mẽ công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng, có sự phối hợp đồng bộ giữa hộ nhận khoán, đơn vị chủ rừng, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương, sự kết hợp tuyên truyền, quán triệt chủ trương chính sách đến từng hộ nhận khoán thì nơi đó đồng bào hiểu rõ hơn và tự giác gắn bó với rừng và rừng được bảo vệ tốt hơn. Mặt khác, từ việc được giao khoán bảo vệ rừng, các hộ đồng bào đã có thêm thu nhập, tạo thêm công ăn việc làm, ổn định đời sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

 PHAN LIÊN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Triển khai các giải pháp thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công từ tháng đầu tiên năm 2025
BTO-Chiều 3/1, đồng chí Nguyễn Hoài Anh -ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đồng chí Đoàn Anh Dũng- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, đồng thời thảo luận giải pháp triển khai trong tháng 1/2025.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giao khoán bảo vệ rừng: Tăng độ che phủ rừng, tạo sinh kế cho người dân