Theo dõi trên

Giao thông góp sức phát triển 3 “trụ cột” kinh tế.

29/03/2022, 12:27

Bài 2: Hiện thực hóa các chủ trương làm giao thông

Bên cạnh các vấn đề quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, hầu hết các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đều đề cập đến phát triển giao thông và được xem là chiến lược phải “đột phá” cần thực thi mới giúp Bình Thuận thoát khỏi tỉnh nghèo. Có giao thông tốt sẽ tạo cho Bình Thuận phát huy được các lợi thế từ tiềm năng như điện năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch… Và thực tế Bình Thuận đang làm được điều đó.

cao-toc.jpg
Thi công cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết.

Kích cầu du lịch phía nam tỉnh

Ngày 16/9/2021, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đã đi kiểm tra 2 tuyến đường ĐT.719 và 719B. Tuyến đường ĐT.719 có chiều dài 32,5 km, chiều rộng nền đường 9 m, có điểm đầu ở ngã ba Kê Gà đi Tân Thành - Tân Thuận (Hàm Thuận Nam) - Tân Hải - Tân Tiến -Tân Bình - Bình Tân - Tân Thiện – Tân An (La Gi) nối dài với quốc lộ 55, tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng. Tuyến ĐT.719B được làm mới từ xã Hàm Mỹ đi Tiến Thành - Tiến Lợi (Phan Thiết) - Thuận Quý - Tân Thành (Hàm Thuận Nam), có chiều dài 25,5km, chiều rộng nền đường 28m, mặt đường 16m, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.

Sở dĩ Bí thư Tỉnh ủy đi kiểm tra 2 tuyến ĐT.719 và 719B trong thời gian này, vì đây là 2 tuyến đường đang triển khai thi công (nguồn vốn dài hạn từ Trung ương), nhưng trong thời gian vừa qua do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên phải tạm ngưng, làm chậm trễ một số công đoạn như đền bù giải tỏa, thi công dẫn đến chưa giải tỏa được nguồn vốn công. Mặt khác, 2 tuyến đường này cần có sự thay đổi, bổ sung thiết kế để phù hợp với địa hình và quy hoạch vùng nên đoàn đi kiểm tra để nắm tình hình thực tế (vừa giám sát) để có hướng chỉ đạo sâu sát hơn. Ngoài ra, 2 tuyến đường này đang là kỳ vọng rất lớn từ người dân, giới đầu tư và kể cả các ngành, các cấp vì có ý nghĩa quan trọng cho phát triển du lịch khu vực phía nam tỉnh, bởi sẽ khơi thông nội vùng cả 4 huyện, thị, thành phố là Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, La Gi và Phan Thiết.

Ở góc nhìn khác, 2 tuyến đường này đang kết nối với khu du lịch nghỉ dưỡng “triệu đô” của Novaland, tạo giá trị bất động sản từ quỹ đất mặt tiền 2 bên tuyến đường khá lớn. Chị Nguyễn Thị Nga, ở xã Tân Thành tâm sự: “Tôi và người dân trong khu vực rất bất ngờ vì đường ĐT.719 và 719B lại được đầu tư hoành tráng như vậy, cộng thêm dự án Novaland đang xây dựng với quy mô quốc tế nên ở đây nhiều người ví vùng này từ chốn “khỉ ho cò gáy” chỉ trong một thời gian ngắn đã hóa thiên đường cho du lịch. Nhà tôi có gần 2 ha đất gần dự án Novaland, vợ chồng tôi bàn tính chờ 2 tuyến đường làm xong sẽ bán bớt đất lấy tiền làm resort”. Không chỉ riêng chị Nga mà thực tế nhiều doanh nghiệp trong thời gian vừa qua đã đến khu vực này mua đất với dự định mở resort, khu du lịch sinh thái… Nhiều người đang kỳ vọng khu vực này sẽ tạo thêm cho Bình Thuận một khu du lịch quốc gia thứ 2 như ở Mũi Né.

Đó là 2 trong số những con đường góp phần tăng tốc kinh tế cho Bình Thuận rõ nét dễ nhận thấy. Còn lại hàng trăm con đường lớn, nhỏ khác cũng đã góp phần giúp nền kinh tế Bình Thuận tăng tốc mỗi ngày mà nói như Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An khi nhận xét về giao thông Bình Thuận thì “tuyến đường nào dù lớn hay nhỏ đều có giá trị và mang lại lợi ích cho người dân và xã hội…”.

Trong kỳ họp HĐND tỉnh mới đây, nhiều tuyến đường, cầu được HĐND tỉnh thông qua nghị quyết phê duyệt chấp nhận đầu tư và nhiều tuyến đường, cầu được Trung ương rót vốn xây dựng, trong đó có những tuyến đường, cầu “nặng ký” được xem là như tạo thêm bước đột phá cho phát triển trong vùng như cầu Văn Thánh – TP. Phan Thiết. Cầu gồm 6 nhịp dài 174m, chiều rộng cầu 19m, tổng mức đầu tư dự kiến 225,279 tỷ đồng. Đường Mê Pu – Đa Kai có chiều dài tuyến đường khoảng 14,47 km, chiều rộng nền đường 9m, tổng mức đầu tư 149,528 tỷ đồng. Đường sẽ kết nối và lưu thông hàng hóa từ Tánh Linh, Đức Linh đi Đồng Nai, Lâm Đồng và các tỉnh Tây nguyên.

cao-toc-1.jpg
Tuyến đường giáp nối với đường ĐT. 719.

Nghị quyết đang đi vào cuộc sống

Ông Nguyễn Tấn Lê - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết: Căn cứ Nghị quyết số 04 ngày 23/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2020 và Kế hoạch số 4625 ngày 9/12/2016 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 04, Sở Giao thông Vận tải đã ban hành Kế hoạch thực hiện số 61/KH-SGTVT ngày 10/1/2017 thực hiện Nghị quyết số 04. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã khẳng định, nhiệm kỳ tới sẽ tập trung phát triển 3 trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuỗi giá trị đó là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Đồng thời thực hiện 3 khâu đột phá, trong đó có khâu “Tăng cường đầu tư công và thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật…”. Để phát triển đúng định hướng Nghị quyết Đảng bộ tỉnh và phát huy được lợi thế tiềm năng rõ ràng Bình Thuận rất cần đến yếu tố giao thông thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư. Với vai trò là đơn vị tham mưu cho tỉnh vừa làm chủ đầu tư xây dựng các công trình giao thông. Vì vậy Đảng bộ Sở Giao thông Vận tải đã quán triệt đảng viên và CBCNV có hành động cụ thể và phù hợp với quyết sách của tỉnh.

Minh chứng cho điều đó là hầu hết các tuyến đường do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư đều được thi công và hoàn thành đúng tiến độ. Từ đây góp phần giúp kinh tế Bình Thuận trong 5 năm qua đã có mức tăng trưởng khoảng 8,3%/năm, nhiều nhà đầu tư “tầm cỡ” có tiềm lực kinh tế đã đến Bình Thuận đầu tư ở các lĩnh vực trụ cột của tỉnh, thu nhập bình quân đầu người trong dân cũng tăng lên đáng kể… Với sự kiên trì của các thế hệ lãnh đạo, Trung ương đã từng bước đầu tư cho Bình Thuận có những con đường giao thông đối nội hoàn chỉnh và sắp tới là giao thông đối ngoại như 2 tuyến đường cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, sân bay Phan Thiết, quốc lộ 28B nối Bình Thuận đi các tỉnh Tây nguyên sẽ tạo bệ phóng giúp Bình Thuận phát triển kinh tế.

Bên cạnh Cảng biển Vĩnh Tân, Cảng Phan Thiết tạo thuận lợi cho lưu thông đường biển, đường cao tốc và sân bay Phan Thiết đang xây dựng sẽ tạo cho Bình Thuận phần căn cơ hạ tầng. Để phát huy hết hiệu quả những công trình lớn cũng như những tuyến giao thông đối nội, Bình Thuận đã và đang vượt khó để xin Trung ương vốn làm những “đường dẫn” kết nối từ cao tốc đến các quốc lộ dẫn đến các khu công nghiệp, du lịch… Tạo nên sự “liên hoàn” hài hòa giữa giao thông đối nội và đối ngoại cũng như những mạch máu lớn là giao thông đối ngoại, có thêm nhiều mạch máu nhỏ là giao thông đối nội, tạo nên sự lưu thông thông suốt cho cơ thể, hay cũng chính là cho người dân Bình Thuận… Và từ đây bài toán thực hiện phát triển kinh tế 3 “trụ cột” của tỉnh sẽ vận hành tốt hơn từ nền tảng giao thông tốt.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An cho biết: Bình Thuận đang từng bước tháo gỡ những khó khăn về vấn đề giao thông đối nội, đối ngoại. Việc tháo gỡ đang đạt được những kết quả tích cực, bằng chứng là giao thông đối ngoại có cao tốc đang thi công, sân bay đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, có quốc lộ 55, 28… Đối nội đã có đường Võ Nguyên Giáp, Hòa Thắng – Hòa Phú, ĐT.720, ĐT.766, ĐT.716… và sắp tới sẽ có thêm nhiều tuyến đường thi công tạo điều kiện cho Bình Thuận tăng tốc phát triển kinh tế.

TRẦN THI


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tập huấn kỹ năng về kinh doanh thanh long theo chuỗi giá trị xanh
Ngày 28/3 tại TP. Phan Thiết, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức lớp đào tạo kỹ năng, phương pháp thực hiện kế hoạch và phát triển kinh doanh ngành hàng thanh long theo chuỗi giá trị xanh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giao thông góp sức phát triển 3 “trụ cột” kinh tế.