Theo dõi trên

Gỡ khó khi thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

24/02/2023, 05:49

Năm học 2022 - 2023 là năm học thứ 3 triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, bước đầu chương trình thực hiện đảm bảo mục đích, yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, ngành giáo dục tỉnh và các địa phương còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức cần được tháo gỡ để đảm bảo chất lượng chương trình một cách đồng bộ.

Chương trình phù hợp

Qua các buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với các trường học, địa phương về chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh vừa qua. Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông đánh giá: Việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông thời gian qua trên địa bàn tỉnh cơ bản được các trường, địa phương thực hiện nghiêm túc, đúng quy định theo mục tiêu, yêu cầu đổi mới. Theo đó, địa phương đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học để thực hiện chương trình. Các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường đảm bảo theo chương trình mới, dạy đúng đủ các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học. Cùng với đó, thực hiện đúng yêu cầu về đổi mới nội dung, phương pháp dạy học cũng như kiểm tra đánh giá, xếp loại học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học. Tích hợp, lồng ghép, tinh giản nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành...

b172257b-c990-4121-a8d3-81f74dd39f95.jpeg
0c2f2b01-c2cf-4239-bd5b-7e8363578103.jpeg
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (huyện Đức Linh) tham gia hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học

Nhìn chung, bước đầu thực hiện Chương trình GDPT 2018 phù hợp với điều kiện của địa phương, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Chương trình mới phù hợp, giúp học sinh được trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào thực tế, chú trọng đến phát triển năng lực và phẩm chất của từng học sinh...Việc lựa chọn SGK được tiến hành thuận lợi, công khai, minh bạch, lưu trữ hồ sơ đảm bảo, đáp ứng các yêu cầu thực hiện chương trình mới. Công tác cung ứng sách đảm bảo tương đối kịp thời cho việc học tập và giảng dạy của các trường trên địa bàn. Học sinh được tiếp cận với chương trình mới, sách giáo khoa mới kết hợp với điều chỉnh, bổ sung nội dung dạy học góp phần đạt được mục tiêu thực hiện chương trình, chất lượng giáo dục được nâng lên.

Những thách thức

Bên cạnh những ưu điểm khi triển khai Chương trình GDPT 2018, một trong những khó khăn mà các trường, địa phương trong tỉnh phản ánh là tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học, nhất là thiếu giáo viên âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh, tin học cấp tiểu học, còn cấp THCS thì chưa có giáo viên chuyên bộ môn tích hợp (khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý) gây khó khăn trong việc triển khai dạy học chương trình mới. Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tánh Linh, năm học 2022 - 2023, toàn huyện thiếu 9 giáo viên cấp tiểu học gây khó khăn cho nhà trường trong phân công chuyên môn, còn bậc THCS chưa có giáo viên chuyên dạy bộ môn tích hợp mà phải sử dụng nhiều giáo viên để dạy chung một môn tích hợp gây khó khăn cho nhà trường trong xếp thời khóa biểu, phân công giáo viên, đánh giá kết quả môn học.

Mặt khác, trang thiết bị phục vụ dạy học được đầu tư nhưng còn quá ít so với nhu cầu thực tế. Để triển khai thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018 cần phải trang bị thiết bị dạy học theo hướng tích cực như dụng cụ thí nghiệm thực hành, ti vi, bảng tương tác, hệ thống mạng... Song song đó, kinh phí tổ chức các hoạt động còn hạn chế nên không thể tổ chức các hoạt động trải nghiệm theo chương trình GDPT 2018. Theo ông Phan Đoàn Thái - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Nguyên nhân những khó khăn trên, không có nguồn giáo viên để tuyển dụng, dẫn đến không tuyển đủ tỷ lệ giáo viên/lớp. Kinh phí phân bổ về địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu, công tác xã hội hóa còn nhiều hạn chế, tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hầu như không thực hiện được.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, ngành giáo dục tỉnh và các địa phương kiến nghị UBND tỉnh tăng cường kinh phí hàng năm để xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, trường học, mua sắm trang thiết bị dạy học phục vụ cho việc đổi mới nội dung Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, hỗ trợ giáo viên nâng chuẩn trình độ đào tạo đáp ứng Luật Giáo dục 2019 và hỗ trợ đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp; cần có những chính sách ưu đãi, thu hút giáo viên. Cùng với đó, chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện rà soát việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng giáo viên hợp lý, hiệu quả. Đồng thời có biện pháp lâu dài để quy hoạch, tuyển dụng và bố trí đủ giáo viên dạy đúng và đủ các môn học, đảm bảo giáo dục toàn diện học sinh. Ngoài ra, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên cốt cán các Modun 6,7,8 để địa phương tiếp tục chủ động triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018.

THANH THUỶ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai chương trình Giáo dục Phổ thông năm 2018
BTO-Sáng nay (4/2), Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận phối hợp với 2 sở giáo dục và đào tạo của TP. Cần Thơ, tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội nghị Chia sẻ kinh nghiệm triển khai chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gỡ khó khi thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông