Theo dõi trên

Gỡ “nút thắt” đảm bảo tiến độ tuyến cao tốc Bắc – Nam

27/09/2019, 15:34

BTO- Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có tổng chiều dài 160 km. Quy mô hoàn chỉnh của dự án gồm 6 làn xe với bề rộng mặt đường 32,25 m, vận tốc thiết kế từ 100 - 120 km/h, tổng mức đầu tư dự án khoảng 39.650 tỷ đồng. Để thực hiện dự án này, hiện nay tỉnh đang tiến hành công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng giao cho dự án, tuy nhiên trong khi thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc.

Xây nhà, trồng cây trong phạm vi dự án.

Toàn tuyến dự án này đi qua 29 xã, thị trấn thuộc 5 huyện của tỉnh gồm: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân. Dự án này có tổng diện tích đền bù là 1.179 ha, một khối lượng công việc lớn, ảnh hưởng nhiều đến người dân, tiến độ thực hiện rất gấp. Đây là một dự án trọng điểm, nhằm góp phần xây dựng cho đô thị phát triển, đưa Phan Thiết – Bình Thuận trong tương lai sẽ trở thành đô thị loại I cùng với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

 Sau khi hoàn thành tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận sẽ kết nối với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, sân bay Long Thành và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để Bình Thuận phát triển mạnh, đặc biệt về du lịch.

Lợi ích là vậy nhưng khi thực hiện dự án đã có một số hộ dân đã lợi dụng để được bồi thường như: Xây dựng trái phép, trồng cây trong phạm vi giải phóng mặt bằng đường cao tốc. Riêng huyện Bắc Bình qua thống kê cho thấy có 5/7 xã với tổng số 61 hộ dân vi phạm. Các hành vi vi phạm khu vực giải phóng mặt bằng đường cao tốc chủ yếu là trồng cây, xây tường rào, xây dựng chòi tạm…

UBND các xã của huyện Bắc Bình đã kiểm tra xử phạt một số hộ dân trồng cây, xây dựng trái phép trên phạm vi giải phóng mặt bằng. Đồng thời đã chỉ đạo các xã thông báo rộng rãi đến các hộ dân quy định không thực hiện bồi thường đối với các trường hợp xây dựng trái phép sau thời điểm ngày 1/7/2014.

Để công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, thời gian vừa qua, các sở, ngành liên quan, cấp ủy và chính quyền các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và các Ban quản lý dự án của Bộ Giao thông vận tải đã tập trung, tích cực triển khai các công việc theo nhiệm vụ được giao.

Đến tháng 9/2019, các cơ quan chức năng đã phê duyệt hồ sơ của 5 huyện có đường cao tốc đi qua, công tác kiểm kê đã cơ bản hoàn thành (đạt 97%). Đồng thời xét pháp lý cấp xã đạt 93%, xét pháp lý cấp huyện đạt 88%. Công tác giải ngân được đẩy nhanh, với kết quả 334,7 tỷ đồng/1.144 tỷ đồng, đạt gần 30% vốn bố trí đợt 1, trong đó có 2 huyện Bắc Bình (60,8%) và Hàm Thuận Bắc (57,9%).

Các khu tái định cư đang được hình thành, theo đó, khu tái định cư thôn Tuy Tịnh, xã Phong Phú  (Tuy Phong) đã tổ chức lựa chọn nhà thầu, dự kiến sẽ khởi công trong tháng 9/2019. Khu tái định cư thôn Hải Thủy, xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình đã tổ chức khởi công vào ngày 24/7/2019. Khu tái định cư tại thị trấn Ma Lâm (Hàm Thuận Bắc), đã tổ chức khởi công ngày 13/9/2019. Khu tái định cư xã Mương Mán (Hàm Thuận Nam) mở thầu ngày 9/9/2019. Khu tái định cư xã Tân Lập (Hàm Thuận Nam) đã khởi công ngày 25/7/2019.

Gỡ “nút thắt” cho dự án.

Tuy nhiên, so với yêu cầu vẫn còn chậm tiến độ như: Công tác phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa được đẩy nhanh, trong đó huyện Hàm Thuận Nam mới chỉ đạt 5%, huyện Hàm Tân mới chỉ đạt 18%. Công tác giải ngân có huyện còn đạt thấp, như huyện Hàm Thuận Nam chỉ đạt 4,1%, huyện Tuy Phong chỉ đạt 16%. Công tác chuyển đổi mục đích đất rừng triển khai còn chậm, hiện nay chưa trình UBND tỉnh phê duyệt phương án trồng rừng thay thế tại huyện Tuy Phong. Tiến độ thực hiện hồ sơ, thủ tục di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật và lưới điện cao thế giao chéo với đường cao tốc còn chậm…

Để thực hiện đúng tiến độ đề ra, UBND tỉnh cho biết đang từng bước để gỡ “nút thắt” cho dự án cao tốc Bắc – Nam. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải, là cơ quan đầu mối có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc các địa phương hoàn thành các nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao nhằm giải quyết tốt các vấn đề về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, kỹ thuật, dân sinh phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các nhiệm vụ.

Tham mưu UBND tỉnh hoàn thành các thủ tục phê duyệt mốc lộ giới, các công trình hạ tầng bị ảnh hưởng bởi đường cao tốc.  Phối hợp với các huyện, các Ban quản lý dự án để tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Giao thông vận tải bổ sung vốn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phần còn lại của dự án. Chủ động làm việc với UBND các huyện có tuyến cao tốc đi qua để nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương theo nguyên tắc giải quyết tại chỗ các kiến nghị, trường hợp vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giải quyết.

Đối với UBND các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân, UBND tỉnh đề nghị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động và công tác quản lý mặt bằng hiện trạng tuyến theo các chỉ đạo của UBND tỉnh và Tỉnh ủy.

UBND các huyện chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ mặt bằng hiện trạng tuyến, không để phát sinh tình trạng trường hợp xây dựng, trồng cây trái phép. Sở Tài nguyên và Môi trường kịp thời tham mưu UBND tỉnh giải quyết các vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đảm bảo tiến độ yêu cầu.  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn chỉnh báo cáo thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ phương án trồng rừng thay thế của huyện Tuy Phong. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết các trường hợp hộ dân có nhiều loại cây trồng chung trên một diện tích đất. Sở Xây dựng tổ chức thẩm định đối với hồ sơ của các công trình di dời điện chiếu sáng, viễn thông, cấp nước ngay khi có đề nghị của địa phương. Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt ngay các công trình di dời hạ tầng kỹ thuật khi có đề nghị của các huyện, trong thời gian không quá 3 ngày làm việc. Sở Công thương chủ trì hướng dẫn UBND các huyện triển khai lập hồ sơ, trình thẩm tra, phê duyệt di dời lưới điện cao thế, trung thế và hạ thế bị ảnh hưởng bởi đường cao tốc. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, Công ty Điện lực Bình Thuận, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh và các Công ty viễn thông chủ động làm việc với UBND các huyện, các Ban quản lý dự án để xác định cụ thể các công trình hạ tầng kỹ thuật do mình quản lý bị giao cắt, ảnh hưởng dự án đường cao tốc, chủ động triển khai ngay các công việc di dời, không để xảy ra tình trạng bị động trong việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật liên quan đến trách nhiệm quản lý của đơn vị mình. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các huyện có tuyến đường cao tốc đi qua thường xuyên nắm chắc tình hình, nhất là những vấn đề nổi lên về an ninh, trật tự sát với từng đối tượng liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án để xử lý hoặc tham mưu xử lý kịp thời, hiệu quả…

PHAN LIÊN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gỡ “nút thắt” đảm bảo tiến độ tuyến cao tốc Bắc – Nam