Theo dõi trên

Gỡ “thẻ vàng” EC: Làm sao chấm dứt tình trạng tàu cá xâm phạm lãnh hải nước ngoài?

01/11/2022, 04:53

Công tác chống khai thác IUU, đặc biệt là ngăn chặn tàu cá khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao, liên tục gắn trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người đứng đầu các sở, ngành, các lực lượng liên quan, địa phương, các tổ chức đoàn thể.

Bởi, nếu còn 1 tàu xâm phạm lãnh hải nước ngoài bất hợp pháp, thì Ủy ban Châu Âu (EC) cương quyết không gỡ “thẻ vàng” thủy sản.

Vẫn còn tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài

Thông qua nhiều giải pháp quyết liệt, đã từng bước ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài. Năm 2018 xảy ra 6 vụ/9 thuyền/63 lao động xâm phạm vùng biển các nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Năm 2019, xảy ra 4 vụ/5 thuyền/32 lao động cũng ở Malaysia, Thái Lan. Năm 2020, không có tàu thuyền vi phạm; năm 2021, xảy ra 4 vụ/4 thuyền/38 lao động bị Malaysia bắt giữ. 9 tháng năm 2022, xảy ra 2 vụ/3 thuyền/1 xuồng máy/23 lao động xâm phạm vùng biển Malaysia, Philippines.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh, việc xử lý tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài đã được các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc. Đối với số phương tiện, lao động bị nước ngoài bắt giữ, khi được trả về tiến hành lập hồ sơ quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm theo quy định. Bên cạnh hình thức xử phạt chính, áp dụng hình thức phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản, đưa ra khỏi danh sách đăng ký hoạt động vùng biển xa, dừng tất cả các chính sách hỗ trợ đối với tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.

z3793115234524_29ea7811f9ffd44149f23e60fcb55dab.jpg

Tuy nhiên, qua rà soát, hầu hết các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài của Bình Thuận thường xuyên hoạt động, lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh. Qua đó, cho thấy công tác quản lý tàu cá thường xuyên hoạt động, lưu trú ngoài tỉnh đang bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu chặt chẽ ở cả hai đầu nơi đi và nơi đến. Bên cạnh đó, công tác trao đổi, phối hợp, xử lý thông tin tàu cá hoạt động ngoài tỉnh giữa các địa phương chưa tốt. Ngoài ra, một số trường hợp vi phạm có thuyền trưởng, lao động từng là chủ tàu, thuyền trưởng hoặc lao động trên tàu các vi phạm vùng biển nước ngoài trước đây bị bắt giữ được trả về. Mặc dù các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đưa các đối tượng này vào danh sách theo dõi đặc biệt, tuy nhiên chưa có quy định để hạn chế, kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn các đối tượng này tham gia đánh bắt thủy sản, dẫn đến nguy cơ tái vi phạm cao.

Trước thực trạng đó, xác định tuyên truyền vẫn là giải pháp căn bản, xuyên suốt, các đơn vị chức năng và các địa phương đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức đa dạng. Phổ biến nội dung chống khai thác IUU, quy định Luật Thủy sản 2017, nhất là các hình thức xử phạt nghiêm khắc tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ và quy định của một số nước trong khu vực. Hướng dẫn cho ngư dân nhận biết được ranh giới vùng biển Việt Nam với các nước, nhất là các khu vực chưa phân định, chồng lấn, nhạy cảm nhằm cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm. Tập trung phổ biến các quy định về: ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản, báo cáo khai thác, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình (VMS), cấm sử dụng xung điện, thuốc nổ, thuốc độc khai thác thủy sản, đặc biệt là không được vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

tang-qua-ao-phao-co-to-quoc-cho-ngu-dan-phan-thiet-anh-nl-2-.jpg
Tặng cờ, phao kết hợp tuyên truyền cho ngư dân trong tỉnh về Luật Thủy sản

Theo dõi chặt tàu cá qua hệ thống VMS

Việc thực hiện lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá, tuy chưa đạt tỷ lệ 100% theo đúng thời hạn, nhưng Bình Thuận là 1 trong những tỉnh có tỷ lệ lắp thiết bị VMS cao nhất cả nước. Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.910/1.948 tàu cá chiều dài từ 15m trở lên đã thực hiện lắp đặt thiết bị VMS, đạt 98,1%. Trong đó, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên đã lắp đặt 37/39 tàu cá, đạt 94,9%; tàu cá có chiều dài từ 15 - <24 m có 1.873/1.909 tàu cá đã lắp đặt, đạt 98,1%. Đối với 38 tàu cá chưa thực hiện lắp đặt VMS, đều được lập danh sách, địa chỉ chủ tàu, nêu rõ tình trạng từng tàu, nơi đang neo đậu... đảm bảo quản lý chặt chẽ.

z3753294142299_5b09ab6e426c86f40bc0dc425f1ea2c5.jpg
Hầu hết tàu cá trong tỉnh đã lắp thiết bị VMS

Hầu hết tàu cá trong tỉnh đã lắp thiết bị VMS

Về việc theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá thông qua VMS, tỉnh đã đầu tư trang thiết bị, hình thành Trung tâm giám sát tàu cá đặt tại Chi cục Thủy sản và các trạm dữ liệu đặt tại Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá ở các cảng cá và các Đồn Biên phòng vùng biển. Thành lập Tổ Giám sát tàu cá (thuộc Chi cục Thủy sản) trực ban 24/7 để quản lý, vận hành hệ thống giám sát tàu cá tỉnh, xử lý thông tin, dữ liệu theo quy định. Đối với tàu cá mất kết nối VMS trên biển, trực ban tại Trung tâm giám sát tàu cá tỉnh liên lạc với chủ tàu, thuyền trưởng để kiểm tra hiện trạng thiết bị, yêu cầu khắc phục mở thiết bị theo quy định. Đối với tàu cá mất tín hiệu trên 10 ngày, trực ban đã phát hiện, xử lý 194 trường hợp (năm 2021 là 100 trường hợp, 9 tháng năm 2022 có 94 trường hợp). Chi cục Thủy sản đã gởi thông báo đến các cơ quan, địa phương để xử lý theo đúng quy định. Xử phạt vi phạm hành chính 7 vụ với số tiền 175 triệu đồng đối với hành vi không duy trì hoạt động thiết bị VMS trong quá trình hoạt động trên biển.

23e5ee9493155a4b0304.jpg
Tàu kiểm ngư tuần tra trên biển

Chi cục Thủy sản cho biết, những tàu cá vượt ranh giới, trực ban chủ động thông báo ngay cho chủ tàu, thuyền trưởng qua điện thoại, thiết bị thông tin liên lạc khác và yêu cầu tàu cá quay trở lại ranh giới cho phép trên biển. Trường hợp không liên lạc được hoặc tàu cá cố tình vi phạm, tổ trực ban thông báo các cơ quan tại địa phương (kiểm ngư, biên phòng, chính quyền địa phương) đến từng nhà chủ tàu làm việc và yêu cầu người nhà bằng mọi cách liên lạc với thuyền trưởng đưa tàu quay lại ranh giới cho phép hoạt động. Qua xác minh, các trường hợp vượt ranh giới trên biển không phải do lỗi cố ý của thuyền trưởng. Đồng thời các thuyền trưởng đã cho tàu quay trở lại kịp thời vùng biển Việt Nam nên các cơ quan chức năng chỉ lập biên bản nhắc nhở, cảnh báo và yêu cầu thuyền trưởng không được tái phạm.

Để thời gian tới, Bình Thuận dứt điểm tình trạng này, các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, giám sát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, đặc biệt xử lý kiên quyết nhóm tàu cá có nguy cơ cao. Công khai các tàu cá, lao động vi phạm vùng biển nước ngoài tại địa phương và trên hệ thống thông tin đại chúng. Vận động nhân dân tố giác các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ để chủ động ngăn chặn, không để xảy ra bất kỳ tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài...

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tăng cường các giải pháp phòng, chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh
Để tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt hơn nữa công tác phòng, chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển tăng cường triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống khai thác IUU.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gỡ “thẻ vàng” EC: Làm sao chấm dứt tình trạng tàu cá xâm phạm lãnh hải nước ngoài?