7 xã “trắng” số hộ đăng ký cam kết
Những năm trước, Hàm Tân không ghi nhận trường hợp người tử vong do chó dại cắn. Đến tháng 12/2023, có 1 ca tử vong do chó dại cắn xảy ra ở thôn Gò Găng, xã Tân Thắng. Thôn Phò Trì thuộc xã Tân Thắng xảy ra 1 ca tử vong tương tự vào tháng 2/2024 và thêm 1 ca tử vong do chó dại cắn vào tháng 4/2024. Thông qua thông tin, số liệu cho thấy số ca tử vong dại xảy ra ở xã Tân Thắng, với tần suất cứ 2 tháng xảy ra 1 ca, chủ yếu tập trung ở thôn Phò Trì (2 ca tử vong). Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các trường hợp trên đều không tiêm phòng vắc xin dại, huyết thanh kháng dại; thậm chí còn dùng phương pháp dân gian (không được Bộ Y tế công nhận) để điều trị.
Với 10 xã, thị trấn, Hàm Tân có 8.382 hộ nuôi chó, mèo để canh giữ nhà, vườn cây. Số hộ đăng ký cam kết thực hiện nuôi động vật theo quy định là 872 hộ ở 3 xã gồm Tân Phúc, Tân Nghĩa và Tân Xuân, chiếm tỷ lệ 10,4% trong tổng số hộ nuôi của cả huyện. 7 xã còn lại “trắng” số hộ đăng ký cam kết. Nghĩa là các hộ nuôi ở các xã còn lại không đăng ký cam kết động vật theo quy định. Cùng với đó, tỷ lệ tiêm vắc xin trên chó, mèo của Hàm Tân chỉ đạt tỷ lệ 19,52%, tương ứng 2.627 con trong tổng số 13.455 con (chó, mèo). Các xã có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại trên chó, mèo thấp dưới 10%. Đó là Thắng Hải 1,9%; Sơn Mỹ 2,32%; Tân Xuân 4,49%. Xã Tân Thắng là nơi xảy ra 3 ca tử vong do chó dại cắn, thì tỷ lệ tiêm vắc xin chó, mèo cũng chỉ đạt 11,32%.
Như vậy, tỷ lệ tiêm vắc xin trên chó, mèo tại Hàm Tân quá thấp. Tình trạng lây bệnh dại từ động vật sang người làm tử vong ở người đã xảy ra. Nếu các biện pháp phòng ngừa không được thực hiện tốt, thì dự báo câu chuyện này sẽ tái diễn trong thời gian tới ở Hàm Tân. Đặc biệt hiện nay đang mùa nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát.
Khó khăn đan xen
Trước thực trạng bệnh dại lây từ động vật sang người, UBND huyện Hàm Tân nêu ra một số khó khăn: “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, tham mưu kế hoạch và dự toán kinh phí hỗ trợ mua vắc xin, tổ chức tiêm vắc xin dại cho chó, mèo trên phạm vi toàn tỉnh đồng loạt cùng một thời điểm. Tuy nhiên, đến nay sở này vẫn chưa có kế hoạch triển khai thực hiện tiêm phòng vắc xin cho đàn chó, mèo theo kế hoạch đề ra. Kinh phí thực hiện các nội dung theo kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030 ở Bình Thuận hiện nay chưa được bố trí, do vậy địa phương chưa triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, tình trạng người dân đưa động vật từ môi trường hoang dã về nuôi làm cảnh trái phép (sóc, chồn...) chưa được kiểm soát, quản lý chặt. Điều này có nguy cơ mang mầm bệnh dại từ môi trường tự nhiên về lây lan cho động vật ở địa phương.
Chính quyền xã ở một số địa phương chưa quan tâm việc quản lý, tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại trên động vật nuôi. Công tác tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm theo các quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y, an ninh trật tự... còn chưa thực hiện nghiêm túc. Từ đó ý thức của người dân còn hạn chế trong việc thực hiện quản lý, tiêm vắc xin dại cho chó, mèo. Người dân chủ quan, không tiêm vắc xin, điều trị dự phòng khi bị chó cắn, nhất là khu vực hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa phương lúng túng trong việc bố trí kinh phí, lực lượng và phương pháp, cách thức để thực hiện việc bắt giữ, xử lý chó thả rông, không rọ mõm.
Ông Nguyễn Thành Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân, cho biết: Thời gian qua, Hàm Tân xảy ra 3 ca tử vong do bệnh dại là sự cố đáng tiếc. Nguyên nhân tử vong cũng có một phần công tác quản lý phòng ngừa bệnh dại chưa được tập trung, chưa có sự đầu tư hỗ trợ vắc xin phòng dại chó mèo; tuyên truyền giáo dục về phòng chống bệnh dại chưa thường xuyên. Người dân không quản lý tốt chó, mèo; chủ quan không tiêm phòng dại khi chó, mèo cào cắn.
Các giải pháp kiểm soát bệnh dại
Trước tình hình trên, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có buổi làm việc với UBND huyện Hàm Tân về công tác phòng, chống bệnh dại tại địa bàn.
Tại buổi làm việc, bà Trần Thị Ngọc Phượng - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có đưa ra 3 ý kiến. Thứ nhất là tuyên truyền các biện pháp phòng dại đến tận nhà của người dân. Thứ 2 là huy động các nguồn lực (kể cả mạnh thường quân) tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo; tiêm vắc xin phòng dại dự phòng cho người dân thôn Phò Trì chưa bị chó, mèo cắn để có vi rút kháng thể. Nếu bị chó mèo cắn, thì người dân Phò Trì có thể không mắc bệnh dại. Thứ 3 là phạt nghiêm các hộ nuôi chó, mèo thả rông. Nếu không thực hiện tốt 3 việc này, thì khó mà dập tắt bệnh dại lây từ động vật sang người, bệnh dại sẽ tiếp tục xảy ra.
Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh yêu cầu: UBND huyện Hàm Tân thống kê số lượng chó, mèo cần tiêm vắc xin phòng dại để sở hỗ trợ cho huyện. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về phòng chống bệnh dại trong cộng đồng dân cư; xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh dại ở động vật. Chi cục Thú y tham mưu sở về mô hình bắt chó thả rông.
Theo ông Nam, UBND huyện cố gắng không để xảy ra tình trạng chết người do mắc bệnh dại. Để kiểm soát bệnh dại tại Hàm Tân trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, UBND xã thị trấn triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 578 (3/3/2022) của UBND tỉnh về phòng chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030. Trong đó, chú trọng tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa, nâng cao ý thức người dân về phòng chống bệnh dại. Tiếp tục thực hiện quản lý tốt đàn chó mèo, thống kê các hộ nuôi chó, mèo; hướng dẫn hộ nuôi quản lý và tiêm phòng dại cho động vật nuôi. Đồng thời, cùng với tỉnh, UBND huyện sẽ bố trí nguồn ngân sách bảo đảm nguồn vắc xin tiêm cho chó, mèo và tập trung xử lý các ổ dịch phát sinh nếu có trong thời gian tới.