Theo dõi trên

Hàm Tân: Thí điểm mô hình “cà phê công dân số”

09/10/2024, 05:24

Công tác chuyển đổi số đang được huyện Hàm Tân tiếp tục triển khai gắn với phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và cải cách hành chính…

Tại Hàm Tân, hiện các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện tập trung khai thác sử dụng hiệu quả các nền tảng dùng chung của tỉnh và nền tảng quốc gia đã được triển khai đưa vào sử dụng. Trong đó có phần mềm quản lý văn bản, phần mềm quản lý cán bộ công chức, phần mềm khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, quản lý hộ tịch, phần mềm một cửa, dịch vụ công…

z5838872022604_a98741ee5678bbaad1687b7167b4b193.jpg
Chuyển đổi số góp phần phục vụ cải cách hành chính tại Hàm Tân. (Ảnh minh họa)

Về phát triển hạ tầng số, đến nay các phòng ban chức năng của huyện, UBND các xã - thị trấn đều được quan tâm đầu tư đáp ứng yêu cầu công việc, phục vụ người dân và doanh nghiệp gắn với cải cách hành chính. Theo đó tất cả cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và xã - thị trấn đã được trang bị máy tính phục vụ hoạt động chuyên môn, 100% phòng ban thuộc UBND huyện có mạng LAN, kết nối Internet tốc độ cao. Ở các cơ quan, xã - thị trấn của huyện cũng bố trí lãnh đạo và chuyên viên phụ trách tham mưu công tác chuyển đổi số tại đơn vị mình, đồng thời duy trì 53/53 Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân trong chuyển đổi số.

Hướng đến phục vụ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và cải cách hành chính, thời gian qua địa phương đã đầu tư bố trí đa dạng nguồn kinh phí để xây dựng hệ thống thông tin. Mặt khác còn huy động ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong công tác tuyên truyền, quảng bá cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và tiếp nhận thông tin nhanh chóng, chính xác hoặc tìm kiếm cơ hội hợp tác về kinh tế - xã hội... Được biết trên địa bàn Hàm Tân hiện có 11 trang thông tin điện tử (gồm 1 trang do Văn phòng HĐND và UBND huyện quản lý, còn lại do các xã - thị trấn quản lý) được liên kết với các trang thông tin điện tử của tỉnh và đảm bảo về an toàn dữ liệu, an toàn thông tin, quyền kiểm soát, quyền quản trị.

z4826318067823_8931fd403369f96f0d49b33f2424b324.jpg
Lực lượng đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân ứng dụng các tiện ích trên môi trường số. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, huyện Hàm Tân đã triển khai thực hiện thí điểm chính quyền số tại xã Tân Đức, thị trấn Tân Minh và thí điểm mô hình “cà phê công dân số” trên địa bàn. Qua đó tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tham gia chuyển đổi số, từng bước thực hiện thủ tục hành chính một phần hoặc toàn trình trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, thanh toán hóa đơn điện tử và các tiện ích khác trên môi trường số. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông, giới thiệu ứng dụng trên nền tảng số để người dân tương tác với chính quyền các cấp bằng thiết bị di động thông minh nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số xếp hạng cấp tỉnh về PAPI, PAR Index, SIPAS…

Thông qua đầu tư hạ tầng viễn thông, đến nay hệ thống truyền dẫn cáp quang, mạng internet băng rộng di động 3G, 4G và cố định trên địa bàn huyện đã phủ khắp 10/10 xã - thị trấn. Ngoài ra còn có mạng lưới điểm phục vụ với gần 50 cơ sở kinh doanh dịch vụ bưu chính, viễn thông. Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng đang triển khai cho cơ sở sản xuất - kinh doanh đăng ký sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của huyện để hỗ trợ đưa lên các sàn thương mại điện tử. Nhất là với 2 sàn thương mại điện tử do tỉnh triển khai gồm: postmart.vn (VNPost), Sàn thương mại điện tử Bình Thuận (sanphamdiaphuong.com.vn) nhằm quảng bá, giới thiệu và mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm.

Tới đây, huyện Hàm Tân sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung liên quan theo định hướng của tỉnh về chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả cho công tác này. Nhất là hướng đến phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số cũng như đem lại những chuyển biến tích cực trong cải cách hành chính tại địa phương…

Trên địa bàn Hàm Tân, hiện hạ tầng mạng băng rộng cáp quang đã phủ tới 90% hộ gia đình, trường học, bệnh viện. Trong khi dân số từ 18 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử đạt tỷ lệ hơn 68%, người dân từ 14 tuổi trở lên có khả năng sử dụng các kỹ năng số cơ bản đạt khoảng 70%...

Đ.QUỐC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thúc đẩy chuyển đổi số trong các khu công nghiệp
Tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Bình Thuận, công tác chuyển đổi số được quan tâm thực hiện cũng góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, đồng thời giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất - kinh doanh…
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Tân: Thí điểm mô hình “cà phê công dân số”