Theo dõi trên

Hàm Thuận Bắc: Bệnh sốt xuất huyết ở xã Thuận Hòa tăng cao, vì sao?

29/06/2022, 05:40

Thời gian gần đây, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại Hàm Thuận Bắc tăng cao, đặc biệt là xã Thuận Hòa. Điều này dẫn đến số ca bệnh này cũng nhập viện tăng theo tỷ lệ thuận.

“Điểm nóng” ở Thuận Hòa

Từ đầu năm đến nay, Hàm Thuận Bắc ghi nhận 174 ca mắc SXH, tăng 98 ca so với cùng kỳ năm 2021 (76 ca), với 15 ổ dịch. Bệnh này xuất hiện ở 10/17 xã, thị trấn, tăng cao vào tháng 6/2020. Đáng chú ý, số ca mắc tập trung tại xã Thuận Hòa là 104 ca, chiếm 70% số ca mắc của toàn huyện. Trong đó, thôn Dân Hòa và Dân Trí có số ca mắc cao nhất xã. Thuận Hòa trở thành “điểm nóng” SXH hiện nay của huyện này. Xã Hàm Trí có 29 ca mắc, chủ yếu ở thôn Phú Thái - khu vực giáp ranh với xã Thuận Hòa, ít nhiều có sự ảnh hưởng do thiếu nước. Riêng 3 xã vùng cao gồm Đông Tiến, Đông Giang và La Dạ chưa ghi nhận bất cứ ca mắc SXH nào từ đầu năm đến nay.

benh-sxh.jpg
Bệnh nhi điều trị SXH tại Trung tâm Y tế Hàm Thuận Bắc.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Hàm Thuận Bắc cho biết: Xã Thuận Hòa, kể cả thôn Phú Thái (xã Hàm Trí), là nơi thiếu nước sạch sinh hoạt do không có nhà máy cung cấp nước sạch. Người dân trữ nước trong lu xi măng có dung tích khá lớn, nhưng không đậy nắp kín, tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng và phát triển. Bởi lu có dung tích nước quá lớn, người dân không quan tâm việc làm sạch lu. Nếu làm sạch, đổ bỏ lượng nước đáng kể, dẫn đến khó khăn về nước sinh hoạt. Thêm vào đó, người dân không ngủ mùng vào ban ngày, môi trường quanh nhà không được vệ sinh sạch.

Bác sĩ Tuấn Anh dự báo bệnh SXH có nguy cơ sẽ bùng phát trên toàn huyện và có diễn biến phức tạp nếu mỗi người dân không tuân thủ theo khuyến cáo của ngành y tế về phòng ngừa bệnh. Đặc biệt là nơi thiếu nước, người dân trữ nước mà không đậy nắp kín. Với xã La Dạ nguy cơ sẽ xuất hiện bệnh SXH nếu người dân nơi đây chủ quan. Bởi đây cũng là nơi không có nước máy, người dân trữ nước trong các dụng cụ.

Số ca nhập viện cao

Với 174 ca mắc SXH tại Hàm Thuận Bắc thì có 95 ca nhập viện không chỉ ở trẻ em, mà ngay cả người lớn cũng bị mắc bệnh. Trong đó, có 2 ca diễn tiến trở nặng được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận để điều trị. Chị Trần Thị L. ở xã Thuận Hòa, đang nuôi bé trai hơn 2 tuổi mắc bệnh SXH điều trị tại Trung tâm Y tế Hàm Thuận Bắc, cho biết: Lúc đầu bé sốt ở nhà cho uống thuốc hạ sốt nhưng cũng sốt lại. Gia đình đưa bé đến trung tâm thì bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh SXH. Trong nhà cũng thoáng, tối ngủ có mắc mùng. Có lẽ, bé bị muỗi đốt vào ban ngày, mà gia đình không biết.

Theo bác sĩ Lê Trúc Linh - Phó phụ trách Khoa Nhi của Trung tâm Y tế Hàm Thuận Bắc, vào thời điểm cuối tháng 5 đầu tháng 6, số ca SXH nhập viện tăng cao, trung bình mỗi ngày 4 - 5 ca. Tuy nhiên, đến thời điểm này số ca bệnh này nhập viện giảm còn 1 - 2 ca/ngày. Đa số trẻ nhập viện trong tình trạng sốt cao, phụ huynh các bé đưa đến bệnh viện khá sớm so với các năm trước đây. Trung bình số ngày điều trị của các bé dao động từ 7 - 10 ngày. Để kịp thời điều trị bệnh SXH tránh diễn tiến nặng và tử vong, các phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện, trung tâm y tế khi trẻ bị sốt.

Bác sĩ Tuấn Anh chia sẻ: Trước tình hình bệnh SXH tăng tại Hàm Thuận Bắc, ngành y tế cũng phối hợp các xã, thị trấn ra chiến dịch dọn dẹp môi trường, diệt lăng quăng, phun thuốc diệt muỗi 2 thôn Dân Hòa và Dân Trí (xã Thuận Hòa) - chuẩn bị phun lần 2 tại đây. Tuyên truyền vận động người dân cọ rửa lu, mái đựng nước. Riêng lu xi măng có dung tích lớn không thể cọ rửa, nhân viên y tế vận động người dân dùng vải mùng, hoặc sử dụng vật dụng khác đậy kín miệng lu tránh muỗi đẻ trứng, sinh sôi lăng quăng. Đồng thời, khuyến cáo người dân ngủ mùng kể cả ban ngày.

TRANG MINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Không có lăng quăng, không có bệnh sốt xuất huyết Dengue
BTO - Đó là thông điệp của hoạt động hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (SXH) lần thứ 12” tại tỉnh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Thuận Bắc: Bệnh sốt xuất huyết ở xã Thuận Hòa tăng cao, vì sao?