Đoàn khảo sát do ông Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn, cùng tham gia có ĐBQH Bố Thị Xuân Linh - Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh và bà Phạm Thị Hồng Yến - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Thuận). Ngoài ra, chuyến khảo sát lần này còn có thành viên đại diện một số sở, ngành, đơn vị liên quan: Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã Bình Thuận, Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)…
Đoàn giám sát làm việc tại UBND huyện Hàm Thuận Bắc.
Trước khi tiến hành khảo sát thực tế 3 nhóm đối tượng gồm hộ nông dân trồng thanh long, hợp tác xã thanh long và cơ sở sơ chế, chế biến trái thanh long, Đoàn khảo sát đã có buổi làm việc với UBND huyện. Tại đây, đại diện địa phương thông tin tổng diện tích thanh long đã trồng trên địa bàn Hàm Thuận Bắc là gần 9.325 ha. Qua rà soát cho thấy, hiện diện tích thanh long đang còn canh tác chỉ khoảng 7.533 ha, giảm 1.790 ha do bỏ không sản xuất hoặc nhổ trụ chuyển đổi sang cây trồng khác. Tính riêng diện tích sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn toàn huyện đến nay còn 3.364,5 ha, giảm hơn 231 ha.
Đại diện địa phương thông tin về tình hình sản xuất, tiêu thụ thanh long trên địa bàn huyện.
Nguyên nhân diện tích giảm mạnh là vì giá thanh long xuống thấp và khó tiêu thụ trong thời gian dài, ngược lại giá vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) tăng cao khiến người trồng không kham nổi chi phí để duy trì sản xuất. Trong khi đó, hơn 85% sản lượng thanh long Hàm Thuận Bắc chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, số còn lại tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu sang các thị trường khác. Chính vì phụ thuộc quá nhiều vào thị trường đông dân nhất thế giới, nên khi phía Trung Quốc thực hiện chính sách mới, nhất là theo đuổi chính sách “Zero - Covid” thì bị ảnh hưởng đầu ra.
ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Thuận và thành viên tham gia đoàn chia sẻ những khó khăn trong việc trồng, tiêu thụ thanh long của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn Hàm Thuận Bắc. Đồng thời góp ý một số giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc trong tình hình hiện nay như chú trọng đầu tư nâng chất lượng quả thanh long, tích cực liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, tăng cường thông tin xúc tiến quảng bá, mở rộng đa dạng thị trường lẫn sản phẩm chế biến từ nguyên liệu thanh long…
Tiến hành khảo sát thực tế tại Cơ sở Lê Mơ và Hợp tác xã Thanh long sạch Hòa Lệ trên địa bàn Hàm Thuận Bắc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Hữu Thông cho biết sau khi khảo sát tại các huyện có diện tích trồng thanh long lớn nhất tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ phối hợp xúc tiến tổ chức hội thảo về nội dung này. Trong đó có mời chuyên gia, chính quyền địa phương, hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân cùng tham gia để đánh giá thực trạng, định hướng và tìm giải pháp nâng tầm sản phẩm thanh long Bình Thuận cũng như góp phần cải thiện đời sống cho người trồng sản phẩm lợi thế của tỉnh.