Theo dõi trên

Giá phân bón tăng cao: Nông dân trồng thanh long giãn đầu tư, duy trì vườn

01/04/2022, 05:43

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện nay giá phân bón thế giới và trong nước liên tục tăng cao, nguồn cung hạn chế và còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Do đó ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân.

cham-soc-thanh-long.jpg
Nông dân chăm sóc thanh long.

“Đội” chi phí, nông dân cắt giảm đầu tư

Tại Bình Thuận, trong bối cảnh chi phí đầu vào phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không ngừng tăng cao, trong khi đầu ra nông sản bấp bênh, giá thấp đang là trở ngại lớn cho sản xuất nông nghiệp nói chung và thanh long nói riêng. Nhất là thời gian gần đây, khi thời vụ thanh long vụ nghịch vẫn chưa kết thúc, tuy nhiên những vườn thanh long ở các địa phương như Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Tuy Phong không còn sum sê, trĩu quả như cùng thời điểm mọi năm. Trải qua nhiều biến động thị trường, chi phí đầu tư tăng cao nhưng thanh long đến kỳ thu hoạch nhưng không có đầu ra, hoặc bán với giá quá thấp, khiến nông dân thua lỗ nặng. Theo một số đại lý phân bón trên địa bàn Bình Thuận, hiện giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cao nhất từ trước đến nay. Nếu cùng kỳ năm ngoái, giá phân Urê nhập vào có giá 8.000 đồng/kg thì nay tăng lên 18.000 đồng/kg; phân Kali 8.500 đồng/kg lên 18.500 đồng/kg; Lân 5.000 đồng/kg… Riêng thuốc BVTV tăng từ 10-20%, có loại tăng 25%. Chính vì vậy, đa số người trồng thanh long đều trong giai đoạn cầm cự. Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, không ít hộ dân đã chặt bỏ thanh long để chuyển đổi sang trồng rau, bí, thậm chí bán đất…

Trong giai đoạn khó khăn này, đơn cử hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hiền, thôn 1, xã Hàm Liêm, Hàm Thuận Bắc sản xuất 1.500 trụ thanh long. Tuy nhiên, cả 3 lứa thu hoạch vụ nghịch không bán được. Do đó gia đình đã chặt bỏ bớt 500 trụ ở những vị trí đất xấu, cây phát triển kém. Riêng 1.000 trụ thanh long còn lại, đến nay bà vẫn tiếp tục duy trì chăm sóc. Tuy nhiên, do giá phân bón tăng quá cao nên gia đình quyết định giãn đầu tư. Theo đó, bà chỉ duy trì chăm sóc bằng một nửa lượng phân bón so với trước đó và kết hợp bón phân hữu cơ để tiết kiệm chi phí.

Sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối

Còn hộ ông Võ Hồng Chiến- thôn 5 ở cùng xã có 4.000 trụ thanh long GlobalGAP, là thành viên HTX thanh long Thuận Tiến. Ông Chiến khẳng định, trong giai đoạn này đầu tư thanh long chắc chắn lỗ. Tuy nhiên, với hy vọng thị trường sẽ khởi sắc trong thời gian tới, gia đình ông vẫn duy trì đầu tư nhưng giãn vụ, chi phí thấp hơn. Dù khó khăn trong giai đoạn này, nhưng ông tin rằng với sự chịu khó đầu tư, chăm sóc của nhà vườn, cộng thêm sự hỗ trợ từ HTX, chính quyền địa phương, sản xuất thanh long sẽ từng bước vượt qua khó khăn, ổn định trở lại. Và hy vọng ấy đang được nhen lên, khi giá bán thanh long những ngày qua đã nhích lên 5.000 đồng/kg.

Về phía ngành chuyên môn, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh khuyến cáo nông dân cân nhắc khi phá bỏ thanh long trong giai đoạn này. Trước mắt, bà con nên tạm dừng khai thác, duy trì vườn thanh long. Theo đó, để tiết kiệm chi phí đầu vào, nhà vườn nên dọn cỏ sạch sẽ, tưới nước cho cây và giảm lượng phân bón để duy trì vườn thanh long.

Nhằm sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả, giảm chi phí đầu vào, mới đây Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị các tỉnh, thành hướng dẫn người dân sử dụng phân bón cân đối và hiệu quả. Đồng thời, tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ. Thay thế phân bón vô cơ bằng phân bón hữu cơ theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện sản xuất trồng trọt của địa phương. Mặt khác, bố trí nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ quản lý sử dụng phân bón cân đối, hiệu quả, tránh lãng phí. Cùng với đó, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), gieo sạ né rầy, ứng dụng công nghệ sinh thái, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mô hình liên kết sản xuất. Chủ trì, phối hợp với các địa phương và tổ chức, cá nhân xây dựng mô hình sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các mô hình điển hình trong sản xuất nông nghiệp.

Đó cũng chính là việc làm cần thiết trong giai đoạn sản xuất thanh long gặp khó khăn, khi chi phí đầu vào tỷ lệ nghịch với giá bán đầu ra như hiện nay.

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Người nuôi thủy sản đối mặt thiệt hại kép
Từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn liên tục tăng cao khiến người nuôi thủy sản, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh đối mặt với tình trạng càng nuôi càng lỗ.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá phân bón tăng cao: Nông dân trồng thanh long giãn đầu tư, duy trì vườn