Theo dõi trên

Hàm Thuận Bắc: Tìm đột phá mới sau đại dịch

28/02/2022, 09:26

Một trong những nguyên nhân hạn chế, tồn tại trong lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hàm Thuận Bắc trong năm 2021 và nhiều năm trước đây được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện chỉ ra đó là ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, thực hiện nhiệm vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế.

ham-thuan-bac.jpg
Trung tâm hành chính huyện Hàm Thuận Bắc.

Nhận rõ được điều đó, năm 2022 huyện Hàm Thuận Bắc xác định là năm “Đổi mới lề lối làm việc, nâng cao đạo đức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ và chuyển đổi số” gắn với thực hiện tốt kết luận Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và Kết luận số 01 ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhằm tạo đột phá mới sau đại dịch Covid-19. Với một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc “Tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối, tác phong làm việc; nâng cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ và khơi dậy khát vọng phát triển quê hương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện”. Xem đây là khâu đột phá trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.

2. Tập trung chỉ đạo thực hiện và giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và những yêu cầu, kiến nghị liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

3. Thực hiện nghiêm túc phương châm hành động “Đoàn kết, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo và hiệu quả” và các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công vụ, quy tắc ứng xử với nhân dân, “nói đi đôi với làm”, “làm việc gì dứt điểm việc đó”, làm việc với tinh thần “đeo bám công việc, hết việc chứ không hết giờ”; khắc phục bệnh thành tích, xuê xoa, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, trông chờ ỷ lại vào cấp trên. Phát động phong trào 3 cần: Cần gần dân và sát cơ sở; cần học hỏi, lắng nghe ý kiến của dân; cần vận động nhân dân cùng lo, cùng làm. 3 nên: Nên vui vẻ khi tiếp xúc, phục vụ dân; nên xin lỗi dân khi thấy thiếu sót; nên cảm ơn khi dân góp ý, phê bình. 3 không: Không gây phiền hà với dân; không thờ ơ vô cảm, thiếu trách nhiệm trong công việc với dân; không nhận hối lộ, tham nhũng, nhũng nhiễu với dân.

4. Khắc phục triệt để tình trạng trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị, trước hết là các cơ quan hành chính nhà nước. Theo đó, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế, quy trình làm việc, xác định rõ chức trách, trách nhiệm của từng cá nhân. Chỉ đạo cán bộ, đảng viên đăng ký và chọn những việc trọng tâm để tập trung giải quyết, nhất là những vấn đề bức xúc tại địa phương, đơn vị mình; nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, sử dụng hiệu quả thời gian làm việc gắn với thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính.

ham-thuan-bac-1.jpg
Hồ Đa Mi.

5. Chủ động, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, văn hóa công sở, tác phong làm việc, quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.

Về kinh tế, để hạn chế các tác động tiêu cực của đại dịch Covid - 19 đến sự phát triển kinh tế - xã hội, năm 2022 huyện Hàm Thuận Bắc quyết tâm triển khai thực hiện chuyển đổi số theo nghị quyết của Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh phù hợp với điều kiện, đặc điểm của huyện nhằm nắm bắt thời cơ phát triển kinh tế - xã hội do cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số mang lại, hướng đến xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Xem đây là khâu đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025.

Để triển khai thực hiện chuyển đổi số, huyện Hàm Thuận Bắc sẽ tập trung vào nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số. Gắn thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và giai đoạn 2021-2025. Qua đó, thay đổi cách làm việc, cách sống, phương thức sản xuất - kinh doanh và hoạt động của hệ thống chính trị dựa trên công nghệ số. Năm 2022, huyện sẽ triển khai xây dựng hạ tầng cơ sở dữ liệu và kết nối, chia sẻ dữ liệu các hoạt động quản lý của các cấp, các ngành hiện đang lưu giữ nhằm xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu dùng chung, đảm bảo kết nối liên thông phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhằm phục vụ chuyển đổi số hiệu quả. Tiếp tục thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Tăng cường sử dụng phần mềm Zoom, Google meet, mạng Zalo… để lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, dạy và học trực tuyến, thông tin truyền thông… Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất -kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng nông sản an toàn, bảo đảm an toàn thực phẩm…

Trong tiến trình chuyển đổi số, các cơ quan hành chính nhà nước phải chuyển từ tư duy quản lý hành chính sang tư duy quản trị phát triển, chỉ đạo và ban hành các quyết định hành chính chủ yếu dựa trên những phân tích dữ liệu. Đây là vấn đề mới và chưa có tiền lệ, nhất là “thay đổi nhận thức thói quen vẫn là khó khăn và thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số”.

QUANG BẢY


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bắc Bình: Vượt khó bằng nội lực
Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trong bối cảnh cả nước gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, huyện Bắc Bình đã vượt qua khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Thuận Bắc: Tìm đột phá mới sau đại dịch